Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!!
Lần đầu tiên đi học với mỗi chúng ta, chắn hẳn là
“buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”? Và ai ai cũng mang trong mình cảm giác hồi hộp bỡ ngỡ với trường mới, bạn mới!
Ấy vậy mà hơn 30 năm trước ở một hòn đảo xinh đẹp bị lãng quên ở Indonesia, ngày khai giảng là ngày mà có 9 đứa trẻ và 2 thầy cô giáo phải thấp thỏm lo lắng trước lệnh đóng cửa trường khi không đủ tối thiểu 10 học sinh, chuẩn bị cho ngày khai giảng không phải là bức thư chúc mừng năm học mới của lãnh đạo, hay diễn văn chào năm học mới mà là bài diễn văn đóng cửa trường. May mắn thay, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, ngôi trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa, và buổi lễ khai giảng bắt đầu vào lúc 11h 5 phút.
10 đứa trẻ ngoan cường ấy, được cô giáo của mình đặt cho một cái tên rất đẹp
“Chiến binh cầu vồng”. Và đó cũng là tên cuốn sách, mà Thư viện trường THCS Ngọc Lâm sẽ giới thiệu đến các bạn. Tác phẩm
“Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata , được xuất bản năm 2018 với khổ 14x20,5 cm.
“Chiến binh cầu vồng” là câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống để được đến trường. Nhiều câu chuyện đáng nhớ được kể lại suốt quãng đời đi học, và cái kết cay đắng khiến nhiều độc giả phải suy ngẫm.
“Chiến binh cầu vồng” có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học. Tác phẩm đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.
Nếu ai đó đã từng đọc
“Chiến binh cầu vồng”chắn hẳn sẽ không cầm được nước mắt với hình ảnh trên hòn đảo xinh đẹp, giàu có là thế, nhưng những người dân cu li cực khổ trăm bề. Với một gia đình làm cu li, vất vả làm lụng cả ngày chỉ có thể thu về 5 đô la 1 tháng. 7 tuổi, nơi những đứa trẻ mơ về không phải trường học, bài giảng, thầy cô, mà là những nông trường khai thác tiêu, khai thác thiếc rộng lớn.
Một sự thật cay đắng mà đến tác giả cũng phải thừa nhận, bọn con trai làm cu li đồn điền còn mua được một cái xe đạp, trong khi thầy Harfan đường đường là hiệu trưởng trường tiểu học Muhammadiyah chật vật lắm mới mua được sợi xích hay ruột xe đạp mà thôi. Chính vì vậy, trường học là cái gì đó xa lạ với người nghèo trên đảo, họ luôn quan niệm rằng học tập chỉ dành cho con em nhà giàu. Với những gia đình đông con, cho chúng đi làm từ sớm ở cửa hàng, hay ở công trường để phụ giúp kinh tế còn khả thi hơn cho chúng đi học, vừa tốn kém mà chẳng lợi lộc gì.
Sự thật phũ phàng khắc họa từ những phần đầu của quyển sách. Ngay cả khi đã được phép tiếp tục giảng dạy và học tập, thầy và trò trường Muhammadiyah vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, ngôi trường cũ kĩ xập xệ với 120 năm tuổi thọ, trời mưa, học sinh phải đội dù ngồi học. Trong lớp chẳng có gì, một tủ trưng bày trống trơn, không có mô hình học tập, không quả địa cầu, không khẩu hiệu. Những đứa trẻ đen đúa đầu tóc bờm xờm, tay chân lem luốc, chân mang dép lốp xe, chúng chẳng có compa, thước kẻ, máy tính. Nhưng tinh thần ham học hỏi và sự cần cù, chăm chỉ thì ngay cả những đứa trẻ nhà giàu cũng khó mà có được. Chính cuộc sống khó khăn hiện tại là động lực để chúng đến trường thường xuyên hơn. Với chúng, có lẽ việc học không là điều gì quá đáng sợ mà là cánh cửa mở ra thế giới kì diệu. Bọn trẻ đón nhận việc học với tất cả sự hăng say, nhiệt tình và cực kì nghiêm túc.
Lintang – một chiến binh đặt biệt trong nhóm vẫn hằng ngày đạp xe tổng cộng 40 cây số tới trường, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Cái xe đạp tả tơi tới mức dây sên đã tháo xích ngắn không gắn lại được. Có lần cậu phải bán nhẫn cưới kỉ niệm của cha mẹ để mua ruột và xích xe mới. Khó khăn là vậy nhưng Lintang là đứa chăm chỉ và thông minh nhất. Để tới trường nhiều khi phải bất chấp tính mạng, ấy vậy nó luôn tới sớm nhất. Và năm học nào thằng bé cũng đứng nhất.
Khó khăn đã hun đúc bản chất kiên cường, mạnh mẽ vốn có của những “chiến binh”. Những tài năng thiên bẩm đã đươc sản sinh từ môi trường khó khăn, mà rất lâu sau mới có người thứ hai. Đó chính là thần đồng toán học Lintang và tài năng nghệ thuật Mahar, hai người mà tác giả cho là đã khiến nhóm học sinh nghèo dám tiếp tục ước mơ và lạc quan hy vọng vào cuộc sống.
Ngoài 10 chiến binh can trường nhỏ tuổi, ngôi trường Muhammadiyah còn có 2 chiến binh nữa là thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus - những giáo viên nghèo khổ tận tâm đã mang hơi thở giáo dục đến trẻ em nghèo trên đảo. Những con người nhỏ bé trong ngôi trường bị lãng quên đã góp một tia hy vọng tươi sáng cho thế hệ trẻ. Hai con người xem nghề giáo là nghề cao quý. Một người thầy 50 năm làm giáo viên mà không nhận được một đồng tiền lương nào, đến tận khu làm việc của cu li để động viên từng trẻ đến trường. Hình ảnh cô giáo trẻ Mus tận tâm yêu nghề, từ bỏ công việc mơ ước, bước vào nghiệp nhà giáo với nhiều tâm huyết, cùng học sinh bước qua nhiều thử thách cam go. Cô chính là thủ lĩnh tinh thần đáng tự hào của nhóm chiến binh cầu vồng.
Chiến đấu để giữ lại ngôi trường cũ kĩ xập xệ 120 năm tuổi…
Chiến đấu để hằng ngày được đến trường…
Chiến đấu để giành vinh quang cho ngôi trường…
Chiến đấu để chống lại lệnh đóng cửa trường lơ lửng trên đầu…
Và cuối cùng, cầu vồng có xuất hiện sau mưa hay không, những nghị lực kiên cường của thầy và trò trường Muhammadiyah có chiến thắng được định kiến xã hội hay không? Giáo dục có thể xua tan số phận nghèo khổ và kiếp sống cu li thường trực hay không? Và kết thúc câu chuyện này sẽ ra sao? Xin mời thầy cô và các bạn đọc tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường nhé. Thư viện tin chắc, đây là cuốn sách đáng đọc nhất trong đời mỗi người. Đọc nhiều hơn để thấy được, cảm thông được, chia sẽ được và hiểu được ở đâu đó trong cuộc sống này còn có những hoàn cảnh và số phận nghiệt ngã biết dường nào, đọc để trân trọng những thứ mình đang có!
Xin chúc thầy cô và các bạn có một tuần làm việc và học tập hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.