TRƯỜNG THCS NGỌC LÂM Ngày 21 tháng 02 năm 2024
Thư viện
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 02/ 2024
Tên sách: “ Kể chuyện gương hiếu học” – Tác giả Phương Thùy & Hoàng Trang
Mục đích giới thiệu: Muốn truyền tải thông điệp về tinh thần học tập tới các em học sinh, qua các tấm gương danh nhân tiêu biểu trong và ngoài nước, với phương châm: “Học tập để phát triển nhân cách và hoàn thiện bản thân”
Đối tượng giới thiệu: Học sinh toàn trường
Thời gian giới thiệu: ( Ngày 26/02/2024)
Địa điểm: Trường THCS Ngọc Lâm, viết bảng và đăng lên website trường
Người viết nội dung: Trịnh Thị Hồng Nhung
Người trình bày nội dung: Ngô Mỹ Linh – lớp 7A6
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!!
Sinh thời, nhà lãnh đạo kiệt xuất của giai cấp vô sản Vladimir Lenin từng có câu nói rất nổi tiếng: “ Học, học nữa, học mãi”. Việc học đối với mỗi chúng ta là một công việc cả đời, bởi có học bao nhiêu đi nữa dường như vẫn là chưa đủ. Khi con người mới ra đời, chúng ta bắt đầu học nói, học đi. Lớn lên một chút lại được đến trường để được học chữ, học văn hóa. Và trong suốt quá trình phát triển chúng ta không ngừng học cách để làm người.
Học tập là một hoạt động liên tục và lâu dài, ai sinh ra cũng cần nhu cầu học tập để hoàn thiện mình, và với phương châm “Học tập để phát triển nhân cách và hoàn thiện bản thân”. Hôm nay, thư viện trường THCS Ngọc Lâm xin trân trọng giới thiệu tới thầy cô và các bạn, một cuốn sách có chủ đề về học tập mang tên “Kể chuyện Gương hiếu học”.
Cuốn sách “Kể chuyện gương hiếu học” do tác giả Hoàng Trang và Phương Thùy cùng biên soạn. Cuốn sách bao gồm 199 trang được in theo khổ 13x 21 cm do NXB Văn học xuất bản năm 2010. Cuốn sách bao gồm 41 câu chuyện, giới thiệu các gương sáng hiếu học nổi tiếng của thế giới và Việt Nam thời xưa như Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến(Việt Nam), Khổng Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ (Trung Quốc), rồi thế giới có Lê Nin, Marie Curie, Einstein, Darwin, Andersen…
Càng đi sâu vào đọc và tìm hiểu nội dung cuốn sách chúng ta càng thấm thía những những bài học sâu sắc của các danh nhân. Điển hình như Nguyễn Hiền, là Trạng Nguyên trẻ nhất Nước Nam. Nguyễn Hiền sinh năm 1235 quê ở làng Hà Dương huyện Thượng Nguyên, tỉnh Nam Định. Nguyễn Hiền vốn thông minh, có trí nhớ tốt. Lúc 6-7 tuổi, ông theo học một nhà sư ở chùa làng, mỗi ngày sư cho học hai mươi trang sách, ông chỉ đọc qua là thuộc. Ngoài ra Nguyễn Hiền còn được một người đối đáp giỏi sau đó đi thi đỗ thủ khoa năm Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông, đến năm sau thi đình đỗ Trạng Nguyên.
Mở rộng cánh cửa nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, một tấm gương hiếu học tiêu biểu là nhân vật Cát Hồng với câu chuyện “Bán củi mua sách đọc”. Thủa bé, Cát Hồng rất nghịch ngợm ham chơi, một năm nọ thân phụ bị bệnh nặng biết mình không qua khỏi đã dặn dò lại Cát Hồng rằng: “Con quá ham chơi, từ nay nên… cố học để làm người có ích… nhớ lấy lời cha”. ”. Từ câu nói của người cha dẫn dần Cát Hồng tỉnh ngộ đã bớt dần ham chơi, ngày ngày đỡ anh kiếm tiền phụ nuôi gia đình. Cát Hồng đã nghe lời mẹ vượt đèo lội suối, chịu rét, trải qua nhiều gian khổ gặp người thầy giỏi và cuối cùng ông đã trở thành một vị quan, một người thầy thuốc giỏi.
Hay trên thế giới có lãnh tụ Lê Nin của Nga với câu nói nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”. Ngay từ nhỏ Lê Nin đã được đọc những cuốn sách tiến bộ, nói về sự bất công giữa người với người, sự bóc lột tàn bạo của địa chủ với nông dân nghèo, sự cần thiết phải có sự thay đổi chế độ Nga Hoàng. Ngay từ đó trong đầu óc của Vladimir đã có một quyết tâm phải học, học để có kiến thức, học để thay đổi chế độ bất công đang tồn tại trên đất nước mình. Nhờ có sự quyết tâm học hành, sau này Vladimir Lê nin đã trở thành vị lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga, và giai cấp vô sản thế giới.
Ngoài những gương học tập tập tiêu biểu trên còn rất nhiều tấm gương hiếu học khác như Lý Bạch với “Học mài sắt thành kim” hay Nguyễn Kỳ “Học nhờ cửa phật”, Darwin “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Các nhân vật trong truyện kể làm chúng ta cảm phục, không ở sự thông minh mà còn ở ý chí, nghị lực vô cùng lớn lao vượt qua những gian nan, thử thách để thành công trên con đường chinh phục tri thức.
Hiếu học là sự ham học hỏi, ham hiểu biết, muốn vươn tới, muốn chinh phục những tri thức của nhân loại. Hiếu học thể hiện một tinh thần tự nguyện, một sự cố gắng không ngừng của bản thân, không bao giờ bằng lòng với những điều đã biết đã học được. Người hiếu học có thể học mọi lúc mọi nơi, học trong sách vở, học trong cuộc sống.
Trong xã hội hiện nay, khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, hơn bao giờ hết, bạn trẻ cần phải có tinh thần ham học hỏi thật sự. Học không chỉ giúp chúng ta có thêm tri thức mà học để phát triển năng lực cá nhân, để biết cách sống đúng đắn, đi đến thành công. Những tấm gương hiếu học ấy, sẽ khích lệ lòng ham muốn học hỏi, tìm hiểu thế giới xung quanh. Cùng với sự trưởng thành về nhận thức, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy trong những câu chuyện ấy nhiều điều mới mẻ hơn, sâu sắc hơn. Mỗi người đọc có thể rút ra những kinh nghiệm, những bài học quý báu và những tấm gương cho riêng mình để học tập noi theo, để rèn luyện chính mình.
Hy vọng rằng cuốn sách sẽ là món quà vô cùng quý giá, đối với các thầy cô và các bạn. Cuốn sách “Kể chuyện gương hiếu học” là một cuốn sách hay, trong tủ sách giáo dục đạo đức của thư viện nhà trường. Xin mời thầy cô và các bạn hãy đến với thư viện nhà trường để tìm đọc cuốn sách này nhé..
Buổi giới thiệu sách tháng 2 tới đây là kết thúc, xin kính chúc thầy cô giáo, cùng các bạn có một tuần làm việc và học tập đạt kết quả cao.
Xin chào và hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.