TRƯỜNG THCS NGỌC LÂM Ngày 17 tháng 10 năm 2022
Thư viện
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/ 2022
Tên sách: “Xin đừng làm mẹ khóc” – First News tổng hợp
Mục đích giới thiệu: Nhân dịp 92 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 2/10/2022)
Đối tượng giới thiệu: Giáo viên và học sinh toàn trường
Thời gian giới thiệu: ( Ngày 17/10/2022)
Địa điểm: Trường THCS Ngọc Lâm, viết bảng và đăng lên website trường
Người viết nội dung: Trịnh Thị Hồng Nhung
Người trình bày nội dung: Nguyễn Thanh Thúy và Nguyễn Gia Bảo – 9A2
Kính thưa các thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!
Nhân dịp 92 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 2/10/2022) thư viện trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm xin được gửi tới tất cả các quý thầy cô cùng các bạn học sinh tham dự tiết sinh hoạt dưới cờ bài giới thiệu sách với chủ đề
“Xin đừng làm mẹ khóc”.
“Xin đừng làm mẹ khóc” là cuốn sách do công ty First News-Trí Việt tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2015. Cuốn sách tuyển chọn những câu chuyện hay nhất trong bộ sách “
Hạt giống tâm hồn”, với 207 trang, khổ 14,5cm x 20,5cm. Bạn đọc vừa nâng niu cuốn sách trên tay, vừa vuốt ve hình ảnh đầy yêu thương chạm trên bề mặt trang bìa cứng. Đó phải chăng là một nụ cười tinh khôi, một nụ hôn đằm thắm giữa mẹ và con, yêu thương ngưng đọng ngay từ khi ta vô tình vuốt ve, dẫu chưa từng chạm mắt tới mặt chữ bên trong?
“Xin đừng làm mẹ khóc” là cuốn nhật ký sao chép lại một tâm hồn thơ ngây, cái nhìn thuần khiết, đáng yêu mà sâu sắc về người mẹ. Từng giọt mực như lăn dài, chảy xiết vào niềm khắc khoải khôn nguôi, liệu có bao giờ ta chịu lặng lẽ nghĩ về mẹ? Nghĩ về những gì mẹ từng trải qua? Dẫu cuộc đời này có gai góc, sứt mẻ, tình thương của mẹ vẫn thật tròn trịa, viên mãn. Ôi! Một tấm lòng bao dung còn rộng hơn cả đại dương lớn nhất, mềm mại hơn cả ngọn cỏ non nhất trên thảo nguyên,…. Tình yêu ấy lấp lánh dưới ánh rạng đông, phủ sáng bằng sự nâng niu ân cần. Tình mẹ là chạm gác của tâm hồn đứa con, dẫu cho lặng lẽ âm thầm, hay tỏ bày trực tiếp, niềm thương yêu đó vẫn trắng ngần, tinh khôi, vẫn tươi tắn giữa khoảng trời hi vọng. Có lẽ ai trong chúng ta cũng không thể cầm được nước mắt khi nhận ra nỗi cơ cực, lam lũ mà người mẹ phải mang nặng một đời. Bao đắng cay mẹ đều gánh lấy, mẹ kiên cường lắm, mẹ đâu thể khóc!. Nhưng…mẹ lại có thể khóc dưới hình hài bé bỏng của đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Cuốn sách đưa mỗi độc giả chạm vào một thế giới chứa đựng biết bao bài học quý giá, bổ ích. Nó cho ta được thưởng ngoạn đủ đầy, được tắm mát trong suối nguồn tuổi thơ, đem tinh hoa khắc vào từng con chữ, từng câu văn.
Ngay từ những dòng lưu bút đầu tiên trong hồi tưởng một đời làm mẹ, câu chuyện
“Quà tặng của mẹ” khiến ta phải rưng rưng, xúc động. Tiếng nói vội vàng, thương mến, một sinh linh mới chào đời, người mẹ hấp tấp hỏi bác sĩ “ Con tôi đâu?”. Người phụ nữ mừng mừng tủi tủi, bao mệt nhọc, lo toan sau lần vượt cạn dường như đều vơi đi, giọng người mẹ bỗng trở nên khàn hơn, thổn thức hơn, vì mong con, chẳng gì còn có thể ngưng đọng thành mồ hôi, nước mắt. Nhưng, khổ tâm sao, tất cả những gì người mẹ đó thấy lại khiến lòng bà như quặn thắt, đau đớn: “
Với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa trẻ từ tay vị bác sĩ. Thế nhưng nụ cười bỗng tắt lịm trên đôi môi khi chị nhìn thấy đôi tai của con mình không giống như những đứa trẻ bình thường khác...”Một đứa trẻ khuyết tật ư? Người mẹ đâu bao giờ dám chối bỏ đấng sinh linh đáng thương đó chứ? Thậm chí chị còn thương nó nhiều hơn. Mặc cho sau này đường đời có quật ngã, đứa trẻ chị đang ẵm trên tay có trở nên thật tội nghiệp, người mẹ vẫn ở đó, ôm nó thật chặt. Mẹ sẵn sàng ôm vô vàn đau đớn, thiệt thòi của con, sẵn sàng rơi từng giọt lệ xoa dịu vết thương thể xác mà con phải gánh chịu…
Lật tiếp từng trang sách nhiệm màu, đến với câu chuyện “
Một người mẹ kì lạ” để thu nhỏ những suy tư của chính ta vào trang giấy, một người mẹ với tính cách quá quen thuộc đã trở thành hình ảnh điển hình cho những người mẹ trên thế gian nhiệm màu này. "
Tôi có một người mẹ kì lạ nhất trên đời-người đã đặt ra những rào cản luật lệ để giữ chúng tôi khỏi lối sống tự do bay nhảy. Trong khi những đứa trẻ khác được ăn bánh kẹo thay cho bữa sáng thì chúng tôi phải ăn cháo ngũ cốc, hoặc trứng và bánh mì kèm ly sữa do chính tay mẹ pha. Mẹ khăng khăng muốn biết chúng tôi đang ở đâu mọi lúc, mọi nơi...Chúng tôi bị buộc phải rửa chén, dọn giường, học cách nấu ăn quét nhà, giặt giũ cùng đủ thứ công việc khác trong gia đình. Mẹ luôn buộc chúng tôi phải nói toàn bộ sự thật và không được nói gì trừ sự thật... Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn không thể phủ nhận được rằng chính vì thế mà không ai trong số các con của mẹ bị nhà trường mời gia đình đến để chê trách vì hạnh kiểm xấu, và cũng không đứa nào bị hàng xóm phàn nàn vì những trò đùa quá quắt. Bây giờ mọi người đều rất tôn trọng chúng tôi vì chúng tôi là những người ngay thẳng, có giáo dục và luôn thành thật”. Dù tình yêu mẹ thật lớn, thật nồng nàn, đắm say là thế, nhưng đôi lúc, trong đôi mắt mỗi đứa trẻ, và ngay cả tôi, người mẹ lại trở nên thật thô ráp, mẹ không còn dịu dàng ân cần, mẹ thường nhắc nhở và quở mắng. Có phải lúc đó, ta cũng đang thật hờn dỗi mẹ? Tất cả những gì người mẹ nâng niu, đùm bọc trong đời này vốn dĩ đều vì lợi ích của con trẻ. Mẹ muốn con trưởng thành và cứng. Quả thực, nếu chỉ sống trong sự vỗ về, nuông chiều, liệu ta có trở nên lớn khôn, hay chỉ biết ỷ lại, biết đùn đẩy trách nhiệm, gánh nặng lên đôi vai gầy gò của mẹ? Người mẹ dạy bảo con từ những hành động nhỏ, qua những việc làm chân thực nhất, đó chính là bài học đường đời, là vạch xuất phát tràn đầy năng lượng để một ngày ta tự mình bước đi trong cuộc sống.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện trong “Đêm giáng sinh” cùng cái lạnh lẽo, cô quạnh bên căn nhà đơn chiếc bóng, bầu trời như muốn ngả vào khoảng tối thăm thẳm, tất cả lay lắt bên ngọn gió, ánh đèn. Người con rưng rưng trước cảnh khuya khoắt hiu sầu, một khúc hoài niệm thương nhớ dào dạt, tụa vào mảnh tuyết tan lạnh đến thấu xương, nỗi cô đơn như tiếng thét gào trong câm lặng.
“Căn phòng của mẹ giờ đây trống vắng, quạnh quẽ đến đau lòng, nhìn đâu cũng thấy kỉ niệm cũ ùa về nhức nhối...Đêm nay, một giáng sinh mới lại về. Ai ai cũng nô nức đón chờ bữa tiệc mừng chúa chào đời, chỉ có trong tôi nỗi đau vẫn còn chất chứa. Tôi thấy lòng mình tan vỡ, rơi rụng như những bông tuyết sau khung cửa kính. Phải chi tôi có một que diêm, chỉ một que diêm thôi của cô bé bán diêm huyền thoại để lại được nhìn thấy mẹ đêm nay”. Còn gì cay đắng hơn nỗi đau mất mẹ. Chừng nào ta còn được trông thấy nụ cười ấm áp trên khuôn mặt thân quen của mẹ hãy ôm lấy và hôn, và âu yếm, luyến thương, đừng tách rời mẹ, đừng làm mẹ khóc.
Vậy, mỗi chúng ta khi được sống cùng tình thương đủ đầy, với bóng dáng ân cần, trìu mến, từ đấng sinh thành, hãy gắng sức cho tròn bổn phận làm con, dẫu đó là những điều nhỏ nhặt nhất. Hơn hết, đối với mỗi học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường, hãy cố chăm ngoan và học hành thật tốt để không quản công lao vất vả của mẹ cha.
“Xin đừng làm mẹ khóc” cho ta chạm vào khoảng trời mộng mơ của tuổi ấu thơ, xen kẽ nỗi buồn khắc khoải, để từ đó, dạy ta để từ đó, dạy chúng ta những bài học đáng quý, đáng kính về tình mẫu tử thiêng liêng. Bằng chất văn phong phú, thuần khiết, trong trẻo đây chính là dịp để chúng ta suy ngẫm và học cách vun đắp công đức sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha, người luôn dõi theo ta từng nhịp bước trong suốt những năm tháng của cuộc đời. Với 207 trang cùng hơn 60 câu chuyện, cuốn sách như một sự tri ân tới tất cả những người mẹ trên đất nước nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10.
“Mẹ là cơn gió mùa thu
Cho con mát mẻ lời ru năm nào
Mẹ là đêm sáng trăng sao
Soi đường chỉ lối con vào bến mơ”
Hy vọng sau buổi giới thiệu lần này sẽ giúp mỗi bạn học sinh trường THCS Ngọc Lâm chúng ta, trau dồi thêm niềm say mê đọc sách và hứng thú tìm tòi những câu chuyện hay, bổ ích. Một lần nữa, thay mặt tập thể lớp 9A2 xin chúc thầy cô cùng các bạn có một tuần làm việc thật vui vẻ và hiệu quả.