I. NHỮNG LƯU Ý KHI LÀM BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Để đạt điểm cao trong bài thi môn tiếng Anh, bên cạnh việc áp dụng các mẹo làm nhanh, các em chú ý một số điểm sau:
- Đọc lướt qua đề thi, câu dễ làm trước, câu khó làm sau.
- Nên tô trực tiếp vào giấy làm bài trắc nghiệm với những câu mình đã chắc chắn đáp án để tránh mất nhiều thời gian.
- Sử dụng bút chì 2B trong quá trình làm bài để dễ tô và tẩy.
- Lựa chọn tẩy chất lượng để xóa đáp án sạch sẽ, tránh làm lem hay tẩy không sạch, dẫn đến máy chấm sẽ báo lỗi hoặc chọn sai đáp án học sinh tô. (do máy tính báo học sinh chọn 2 phương án)
- Hãy đọc thật kỹ đề bài trước khi làm. Các em nên ghi chú lại bằng tiếng Việt phần từ đồng nghĩa, trái nghĩa để tránh bị chọn nhầm đáp án.
- Với những câu chưa làm được, các em hãy đánh dấu lại để không bị bỏ sót bất kì câu hỏi nào
- Chú ý phân bổ thời gian hợp lý, không nên quá tập trung vào một câu hỏi. Điều này sẽ làm mất thời gian làm bài và ảnh hưởng đến tiến độ làm các câu còn lại
- Phải tô hết tất cả các câu hỏi, không được để trống.
- Dành thời gian để soát lại thông tin cá nhân, chú ý khớp giữa phần ghi và phần tô Số báo danh, Mã đề thi.
II. MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ LÀM BÀI TRẮC NGHIỆM NHANH VÀ HIỆU QUẢ
1. Đối với phần bài phát âm và trọng âm:
- Các em chú ý đến một số quy tắc trọng âm cơ bản (từ có 2, 3 âm tiết); quy tắc phát âm đuôi -ed, đuôi -s/es
- Trong mỗi câu hỏi, các em phải biết đọc ít nhất 3 từ trong số 4 từ để từ đó chọn được đáp án đúng nhất
2. Đối với phần câu hỏi liên quan đến từ vựng và ngữ pháp:
- Nếu là từ loại, các em hãy xác định loại từ của nó là gì (Danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) ? Dạng thức của từ cần điền là số ít hay số nhiều…
- Nếu về ngữ pháp, các em hãy đọc kĩ câu đó, sử dụng các dấu hiệu đặc trưng để xác định xem đó là ngữ pháp, cấu trúc câu nào và ưu tiên dùng phương pháp loại trừ.
- Nếu là nghĩa của từ thì các em hãy tìm từ khóa trong câu hỏi đó để chọn đáp án đúng hoặc sử dụng phương pháp ghép từ (nếu có thể) để tạo thành cụm từ có nghĩa.
- Nếu về giới từ, các em hãy xác định xem đó là giới từ về thời gian, vị trí hay giới từ đi với động từ, tính từ.
3. Đối với phần câu hỏi liên quan đến giao tiếp hàng ngày:
- Các em hãy xác định xem đó là dạng câu nói về điều gì như lời đề nghị, lời mời, lời khen,… để tìm ra lời hồi đáp tương ứng.
4. Đối với các dạng bài đọc hiểu:
* Bài đọc hiểu 1:
- Đừng cố gắng đọc và dịch, hiểu toàn bộ đoạn văn
- Các em hãy tập trung vào câu có chứa từ cần điền. Hãy áp dụng phương pháp tìm KEYWORD (có thể chú ý vào từ trước / sau chỗ trống) để làm nhanh các câu hỏi đọc hiểu.
* Bài đọc hiểu 2:
- Đọc lướt toàn bài một lần để xác định được nội dung chính của bài đọc
- Đọc kĩ từng câu hỏi và gạch chân từ khóa và xem câu hỏi đó nằm ở đâu trong bài văn và cũng gạch chân các từ đó trong đoạn văn để có thể làm bài nhanh hơn và chính xác hơn.
- Nếu gặp các câu hỏi về ý chính của bài, các em nên chú ý vào (những) câu đầu hoặc cuối của đoạn văn.
5. Đối với phần bài tập viết câu:
- Dạng bài này tập trung chủ yếu vào kiến thức ngữ pháp, các cấu trúc câu
- Các em hãy đọc câu đề bài để xác định xem câu đó đang đề cập đến đơn vị kiến thức nào.
- Gạch chân sự khác nhau trong từng đáp án
- Dùng phương pháp loại trừ đáp án sai hoặc đôi khi các em cần dịch nghĩa của câu để trên cơ sở đó chọn được đáp án đúng nhất.