Về ngữ âm, phát âm: Học sinh cần ôn lại các nhóm phát âm của nguyên âm, phụ âm, nguyên lý đánh trọng âm cơ bản trong chương trình học (phần A closer look 1 của từng Unit trong hệ thống sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 9).
Về từ vựng: Đặc biệt chú trọng phần từ/cụm từ đồng nghĩa (Closest meaning), trái nghĩa (Opposite meaning), dạng thức của từ (Word form).
Về ngữ pháp: Nên rà lại kiến thức ngữ pháp theo từng chủ đề: các thì, câu bị động, câu gián tiếp, câu điều kiện, câu ước, mệnh đề quan hệ... các loại câu ghép, câu phức, câu mệnh đề đảo dạng cơ bản, từ ghép...
Về đọc hiểu: Ngoài các bài cơ bản trong sách giáo khoa, các em có thể làm thêm các bài tập trong hệ thống sách ôn luyện với nhiều dạng bài tập đọc - hiểu khác nhau nhưng phổ biến:
+ Điền từ vào chỗ trống: Với dạng câu hỏi này, các em cần hiểu nội dung của đoạn và nhìn phổ ngang sang hai bên của chỗ trống để xem cần từ loại gì để điền...
+ Chọn câu trả lời đúng cho câu hỏi về nội dung của bài đọc: Dạng bài này có rất nhiều loại câu hỏi. Ví dụ: Choose the best title for the passage; which statement is not true accoding to...; all statements are true EXCEPT...; the passage refers to...; meaning of the word “...” in line...
Ngoài ra, Tiếng Anh hay ngoại ngữ nói chung không chỉ những từ vựng, ngữ pháp hay bài đọc có trong sách mà cả kiến thức về văn hoá, thể thao, nghệ thuật, tự nhiên và xã hội; các sự kiện hay hiện tượng hàng ngày, đặc biệt những sự kiện nổi bật. Vì thế ngoài việc tích luỹ về ngữ pháp, vốn từ là rất quan trọng.
Chiến thuật làm bài thi
Khi đã nắm vững kiến thức ở từng mảng nội dung, các em cần bước vào phòng thi với tâm thế bình tĩnh nhất, dành thời gian đọc lướt đề từ câu 1 đến câu 40 để xác định câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Các câu chưa làm được có thể đánh dấu vào đề, sau đó, khi quay lại tìm sẽ dễ và nhanh hơn, tránh bỏ sót đáng tiếc.
Bài thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 THPT là bài thi trắc nghiệm 100%, vì vậy việc đọc kỹ đề bài, gạch chân nhiệm vụ mục tiêu của câu hỏi trước khi chọn đáp án rất quan trọng. Các em tránh nóng vội chọn đáp án mà không đọc kỹ đề.
Với phần phát âm: các em đừng ngại đọc thầm để nhận định rõ hơn về sự khác nhau giữa các từ trong cùng một hàng.
Việc tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm cần chú ý:
+ Sử dụng bút chì và tẩy: các em nên sử dụng bút chì 2B và tẩy mới hoặc tẩy đã được gọt sạch phần tẩy mòn; không nên dùng bút chì kim vì tô khó, mất thời gian và nếu có tẩy sửa đáp án sẽ để lại vết bẩn ảnh hưởng đến quá trình chấm bài của giám khảo, có thể làm phần mềm chấm điểm bị nhiễu đáp án do vết bẩn làm nhiễu, sai lệch đáp án.
+ Hãy nhớ tô đủ số báo danh, mã đề thi ngay từ khi các em nhận phiếu trả lời để tránh quên trong thời gian làm bài.
+ Nhớ kiểm tra lần cuối số lượng câu trả lời đã được tô để soát xem các em còn thiếu câu nào không.
+ Ngoài ra, việc đảm bảo sức khoẻ, tinh thần bình tĩnh, tự tin trước và trong thời gian thi cũng là những yếu tố hết sức quan trọng để góp phần giúp thí sinh có bài thi tốt nhất.
CHÚC CÁC EM HỌC SINH LỚP 9 NIÊN KHOÁ 2019-2023
TRƯỜNG THCS NGỌC LÂM : BÌNH TĨNH- TỰ TIN- CHIẾN THẮNG