GIAI ĐOẠN 1: TỪ NĂM 1964 ĐẾN NĂM 1976:
NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP
Trường THCS Ngọc Lâm được thành lập năm 1964 với tên gọi ban đầu: Trường cấp II Thị trấn Gia Lâm. Trường được tọa lạc tại thôn Cầu Cá, thị trấn Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Những năm đầu thành lập, thầy giáo Nguyễn Ngọc Long được các cấp lãnh đạo huyện Gia Lâm phân công làm Hiệu trưởng, trong thời kỳ Đế quốc Mỹ đang bắn phá Việt Nam, chuẩn bị leo thang ra miền Bắc. Trường vừa xây dựng xong, học được một tháng, phải tạm đóng cửa trường để đi sơ tán tránh bom đạn của Đế Quốc Mỹ.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng cùng tập thế hệ giáo viên đầu tiên của nhà trường năm 1964
Mãi đến năm 1968, sau 4 năm dài xa trường, thầy và trò quay trở về tiếp tục công tác dạy và học, lúc này cảnh tượng nhà trường vô cùng tan hoang. Mái ngói trên các tòa nhà rêu xanh phủ kín, sân vườn mục nát cỏ dại mọc um tùm, một số lớp học mái lợp bị sập đổ, vôi vữa bung từng mảng tường. Trên mỗi lớp học không có cánh cửa sổ và cánh cửa ra vào, các bức tường còn lỗ chỗ vết bom bi - dấu vết tội ác của Đế quốc Mỹ. Vào trong các lớp học, mọi thứ đều trống trơn: không bàn ghế, không bục giảng, không cửa che chắn gió lùa, lúc này nhà trường lại phải phát động tới học sinh: Mỗi ngày đi học, các em học sinh phải mang theo một ghế ngồi.
Khuôn viên nhà trường không có tường che chắn, nhiều tiết học giáo viên đang giảng dạy, trâu, bò của dân vào tận cửa lớp để gặm cỏ. Những ngày đông giá rét vì không có cửa che chắn nên gió lùa vào tận lớp học, học sinh rét quá phải mang than củi bỏ vào ống bơ để sưởi ấm trong quá trình học. Thầy cô không có bàn để giáo án, tất cả đồ đạc dạy học của giáo viên phải để tại bục cửa sổ. Trường không có điện, không có nước, không có nhà vệ sinh, không có bảo vệ, nhiều lần bị kẻ gian đột nhập lấy trộm đồ của thầy cô giáo, của Ban giám hiệu, phòng thí nghiệm. Tuy khó khăn vất vả như thế, nhưng tinh thần dạy và học của giáo viên, ý thức học tập của học sinh không hề lùi bước. Các thầy cô vẫn say sưa giảng bài vượt qua mọi thiếu thốn, học sinh vẫn say mê học bất chấp khó khăn, không một lời kêu ca phàn nàn của thầy và trò.
Năm 1970, với đội ngũ nhà giáo tâm huyết, giàu kinh nghiệm, nhà trường vui mừng có 2 thầy cô giáo là Đảng viên, có tổ chức Đảng, công tác dần được ổn định, nhà trường tiếp tục kêu gọi giáo viên và học sinh đang ở nơi sơ tán quay trở lại trường. Giai đoạn này, Đế quốc Mỹ đang leo thang ra miền Bắc, thầy và trò vừa tăng gia sản xuất, vừa dạy học, vừa chống giặc Mỹ, tất cả các thầy cô đều rất yêu nghề, tình nguyện đứng lớp dạy học. Được các cấp chính quyền quan tâm, phụ huynh học sinh đồng lòng, trường được tu sửa về cơ sở vật chất, các lớp học đầy đủ bàn, ghế, bảng đảm bảo cho công tác dạy và học, thầy cô giáo được cấp đất làm nhà để yên tâm công tác.
Phong trào: Dạy tốt, học tốt được phát động trong thời gian này, và từ phong trào thi đua Dạy tốt, học tốt nhà trường đã xây dựng mô hình: Lớp chọn; lớp A; lớp chuyên để gây dựng chất lượng mũi nhọn từ đây. Sau thời gian phát động, nhà trường đã thu được kết quả đáng mừng: Nhiều học sinh đạt xuất sắc; học sinh giỏi; đạt kết quả cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố Hà Nội và cấp miền Bắc.
GIAI ĐOẠN 2: TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 1994
THỜI KÌ: KHỞI SẮC – PHÁT TRIỂN
Năm 1976 thầy Nguyễn Ngọc Long nghỉ hưu, thầy Nguyễn Đình Công được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1976 đến năm 2000. Thời kì này, trường được đổi tên thành: Trường cấp 1, 2 Gia Lâm A.
Ở giai đoạn này, đất nước đã thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Để phát huy thành quả đã đạt được, thầy và trò nhà trường tiếp tục phát động thực hiện phong trào thi đua: “Học để dạy tốt; Dạy tốt để học tốt hơn”. Thanh toán loại hình: 10+2, 10+3 và bằng trung cấp trong đội ngũ giáo viên. Lúc này đội ngũ giáo viên nhà trường đều có bằng Cao đẳng sư phạm trở lên.
Để có chất lượng mũi nhọn, nhà trường đã đưa ra quy định: Giáo viên dạy lớp chuyên, lớp chọn đều phải có bằng Đại học Sư phạm. Vì vậy, phong trào tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn đã được giáo viên nhà trường quan tâm đầu tư và đã trở thành xã hội học tập phát triển một cách mạnh mẽ sâu rộng tại nhà trường. Các thầy cô phấn đấu đi học nâng cao văn bằng, phấn đấu vào Đảng nhiều, số lượng Đảng viên trong Chi bộ tăng lên rõ rệt.
NGƯT Nguyễn Đình Công – Hiệu trưởng nhà trường tặng thưởng cho học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới
Học sinh được tuyển chọn vào lớp chọn, lớp chuyên phải trải qua kì thi khảo sát chất lượng, đối tượng học sinh dự thi được phổ rộng trên toàn huyện Gia Lâm. Nhà trường thành lập Hội đồng tuyển sinh chọn học sinh vào lớp chuyên lớp chọn, cứ sau mỗi năm học nhà trường tổ chức thi lại, học sinh nào không đủ điều kiện sẽ bị loại ra và những học sinh giỏi ở các lớp khác khi thi tuyển bổ sung đủ điều kiện sẽ được vào học, thay thế cho những học sinh bị loại vì không đủ năng lực. Do vậy những học sinh được học các lớp chuyên lớp chọn này thực sự là những học sinh giỏi toàn diện. Kết quả, cuối các năm học nhà trường có rất nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp Thành phố, cấp toàn quốc.
Chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường ngày một nâng cao, là hình mẫu lý tưởng cho bạn bè, đồng nghiệp và các trường trong huyện học hỏi kinh nghiệm noi gương. Những thành tích của trường cấp II Gia Lâm A lúc bấy giờ khẳng định mô hình tổ chức hai trong một là ưu việt. Kết quả của nhà trường luôn là điểm sáng của ngành Giáo dục huyện Gia Lâm với thành tích: Chi bộ luôn đạt danh hiệu: Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Trường liên tục đạt danh hiệu thi đua: Trường tiên tiến cấp huyện.
GIAI ĐOẠN 3: TỪ NĂM 1994 ĐẾN NAY
THỜI KÌ: VỮNG BƯỚC ĐI LÊN VÀ HỘI NHẬP
Thời gian dần trôi, đất nước bước vào thời kì đổi mới, từ năm 1994 đến nay, trường được mang tên: Trường THCS Ngọc Lâm, tọa lạc tại: Phường Bồ Đề, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Hòa trong không khí thi đua của ngành giáo dục, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của các cấp, nhà trường được xây dựng tu bổ thêm các phòng học, phong trào thi đua: “Học để dạy tốt, dạy tốt để học tốt lên” ngày càng được thầy trò và nhà trường quan tâm, phát huy. Nhà trường hoàn thiện mình, vững tin trên con đường hội nhập, văn minh.
Năm 2000, thầy Nguyễn Đình Công nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Bắc được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ năm 2000 đến tháng 6 năm 2006.
Nhà giáo Nguyễn Thị Bắc – Hiệu trưởng nhà trường đánh trống khai giảng năm học 2001-2002
Tiếp nối truyền thống của nhà trường, phong trào dạy và học được nhà trường duy trì phát triển đều, nhiều thầy cô giáo nhà trường dự thi giáo viên giỏi cấp Quận, cấp Thành phố đạt giải cao. Với chuyên môn vững vàng, một số thầy cô giáo nhà trường được ngành giáo dục huyện Gia Lâm và Sở giáo dục Thành phố Hà Nội chọn làm cốt cán chuyên môn. Nhà trường luôn dẫn đầu trong công tác thi đua dạy và học của huyện Gia Lâm, nhiều học sinh đạt giải cao trong kì thi Học sinh giỏi cấp huyện, cấp Thành phố và cấp Quốc gia.
Năm 2006, cô Nguyễn Thị Bắc về hưu, Ủy ban nhân dân Quận Long Biên phân công cô Hoàng Thị Tần - Phó Phòng giáo dục về làm Hiệu trưởng nhà trường từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 2 năm 2007, sau đó cô giáo Nguyễn Thị Thịnh chính thức được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ tháng 2 năm 2007 đến tháng 3 năm 2013. Phát huy thế mạnh về chất lượng, nhà trường vẫn luôn duy trì thành tích trong dạy và học, luôn đạt thành tích: Trường Tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố và được đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Huân chương Lao động Hạng III, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND huyện Gia Lâm.
Nhà giáo Hoàng Thị Tần – Hiệu trưởng nhà trường nhận hoa của lãnh đạo UBND Quận Long Biên nhân ngày 20-11
Trên đà phát triển của Thủ đô và đất nước, tháng 11 năm 2003, huyện Gia Lâm được chia tách làm 2 quận huyện: Gia Lâm và Long Biên. Trường vẫn tên gọi: Trường THCS Ngọc Lâm, địa chỉ số 6, ngõ 370 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Với sự phát triển trong công tác dạy và học, nhà trường luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm. Năm 2010, trường được cải tạo thành 03 tòa nhà với tổng số 20 phòng học, 25 phòng chức năng và khu hiệu bộ, 01 nhà thể chất. Trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học được các cấp đầu tư để hướng tới trường Chuẩn Quốc gia, nâng quy mô nhà trường lên trường Hạng 1. Trường được UBND TP Hà Nội công nhận: Trường đạt Chuẩn Quốc gia năm 2012.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thịnh – Hiệu trưởng nhà trường đón nhận hoa học sinh tặng nhân ngày khai giảng năm học mới
Tháng 4 năm 2013, cô Nguyễn Thị Thịnh nghỉ hưu, thầygiáo Nguyễn Anh Tuấn được cấp trên bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Trường THCS Ngọc Lâm vẫn giữ vững vị trí là lá cờ đầu của ngành giáo dục quận Long Biên với các danh hiệu đạt được: Trường đạt Chuẩn Quốc gia lần 2; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Bằng khen của Trung ương đoàn; Cờ thi đua củaThành phố; Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố. Vinh dự hơn nữa, nhà giáo Nguyễn Thị Diệu Hà được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn- hiệu trưởng nhà trường và nhà giáo Nguyễn Thị Diệu Hà được tặng danh hiệu Nhà giáo tâm huyết sáng tạo cấp thành phố. Năm 2014, trong buổi lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường, các thế hệ giáo viên, học sinh đã rất xúc động khi được ôn lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang của nhà trường. Cũng trong giai đoạn này, phong trào thể dục thể thao của trường phát triển sâu rộng. Thành tích đáng tự hào nhất là đội tuyển bóng đá nam của trường đã đạt giải Vô địch quốc gia năm 2015 tại Hà Nội; năm 2016 lại lọt vào vòng chung kết quốc gia tại Đắc Lắc.
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://8486d3381d.vws.vegacdn.vn/UploadFolderNew/Image/news//2024/thcsngoclam/admin/2024_10/17/pt6_171020241723.jpg?w=900)
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://8486d3381d.vws.vegacdn.vn/UploadFolderNew/Image/news//2024/thcsngoclam/admin/2024_10/17/pt7_171020241723.jpg?w=900)
Nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng cùng Ban Liên tịch nhà trường đón nhận
Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Đầu tháng 3 năm 2020, thầy Nguyễn Anh Tuấn chuyển công tác, Lãnh đạo quận ủy, UBND Quận Long Biên phân công nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang về làm Hiệu trưởng. Cũng vào thời gian này, nhà trường cũng như toàn dân tộc Việt Nam phải gánh chịu đại dịch mới của nhân loại - Dịch Covid 19, một đại dịch cướp đi bao sinh mạng của hàng ngàn người dân Việt Nam và nhân dân trên toàn Thế giới.
Tại trường THCS Ngọc Lâm cũng vậy, kết thúc học kì I năm học 2019-2020, giáo viên và học sinh phải nghỉ Tết dài ngày để phòng chống dịch. Tháng 4 năm 2020, theo chỉ đạo của ngành, giáo viên nhà trường cũng như các trường bạn phải thay đổi hình thức dạy học mới: Dạy học Online. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học Online của nhà trường được quan tâm và coi đó là nhiệm vụ trọng điểm của nhà trường trong năm học này, các lớp học đào tạo về phương pháp dạy học được mở ra. Ban đầu, nhà trường mời chuyên gia về bồi dưỡng cho giáo viên phương pháp dạy học qua phần mềm Zoom, Google Meet, Azota, Team …, sau đó, các tổ nhóm tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng cho nhau, người biết nhiều hướng dẫn cho người biết ít,… ai ai cũng phải học. Và rồi, chỉ trong hai tuần đào tạo, 100% giáo viên nhà trường đã tự tin dạy học Online cho học sinh. Lúc này các thiết bị phục vụ cho dạy-học online rất cần thiết, nhà trường đã nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao, mua thêm máy tính, máy phát wifi, bố trí phòng dạy cho các giáo viên nếu các giáo viên không có điều kiện để dạy tại nhà. Nhà trường xây dựng Quy định, quy trình tới giáo viên và học sinh về việc dạy và học Online để công tác dạy và học đạt hiệu quả nhất. Theo chủ trương của Đảng và Chính phủ: “Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhà trường đã mạnh dạn kêu gọi sự ủng hộ của giáo viên và các mạnh thường quân về tài chính để mua và tặng học sinh máy tính, sóng, giúp các em học sinh nghèo có đủ thiết bị học tập Online. Chỉ sau 2 tuần phát động, nhà trường đã đón nhận được 38 máy tính, 46 suất sóng để ủng hộ tặng cho học sinh nghèo có thiết bị học tập online tại nhà.
Với tinh thần: “Ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, chất lượng dạy học Online của thầy trò nhà trường vẫn giữ vững, học sinh có nề nếp học tập. Mặc dù học Online nhưng nhà trường vẫn quan tâm, tổ chức các hoạt động dưới hình thức Online sinh động để học sinh không bị thiệt thòi như: Chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sơ kết học kì, tổng kết năm học, chia tay học sinh khối 9, kiểm tra giữa học kì, cuối học kì, họp phụ huynh học sinh, mời các chuyên gia về nói chuyện, kĩ năng sống cũng như phương pháp học Online hiệu quả, đón học sinh đầu cấp vào lớp 6, khai giảng năm học mới, các cuộc thi Học sinh giỏi và sân chơi trí tuệ.
Có những thời gian dịch tạm lắng, học sinh không phải cách li, các em được đến trường học trực tiếp nhưng vẫn còn học sinh bị mắc dịch, nhà trường lại chuyển sang dạy học song song hai hình thức: Trực tiếp và trực tuyến: Qua việc lắp đặt thêm các thiết bị Webcam tại các lớp học, với thiết bị này, học sinh nhà trường mắc dịch vẫn được học tại nhà như các bạn ở trên lớp, được nghe thầy cô giảng bài, được tương tác với thầy cô và các bạn qua phòng học Zoom và thiết bị Webcam.
Theo chủ trương Đổi mới toàn diện trong Giáo dục của Bộ giáo dục & Đào tạo, cùng với cả nước, năm học 2021-2022, nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với khối 6, năm học 2022-2023 đối với khối 7, năm học 2023-2024 đối với khối 8, năm học 2024-2025 đối với khối 9. Lúc này, tập thể nhà trường cùng lúc phải thực hiện song song 2 chương trình dạy học, chương trình GDPT 2018 và chương trình Giáo dục hiện hành 2006. Chương trình Giáo dục hiện hành kết thúc vào năm học 2023-2024. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường phải bố trí cho 100% giáo viên tham gia bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy để tiếp cận với chương trình GDPT mới, phương pháp dạy mới. Các lớp bồi dưỡng chuyên môn Online của nhà trường và các thầy cô được diễn ra đều đặn, các thầy cô cố gắng bồi dưỡng về chuyên môn, tiếp cận cái mới để đem lại cho học sinh những giờ dạy chất lượng nhất.
Tháng 3 năm 2021, Ủy ban nhân dân Quận Long Biên quan tâm đầu tư, nhà trường được cải tạo sửa chữa lớn về cơ sở vật chất: Xây thêm một tòa nhà mới với 19 phòng học và khu hiệu bộ, 1 tầng hầm để xe, nâng tổng số phòng của nhà trường từ 45 phòng lên 64 phòng học và làm việc. Nhiều thiết bị mới được cấp như: bàn ghế, ti vi, máy tính, âm thanh, hệ thống đường truyền Internet, thiết bị phát Wifi, các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Phòng Ngoại ngữ, phòng Đa năng, phòng Bộ môn, phòng Tư vấn tâm lý học đường… đáp ứng cho công tác dạy và học có ứng dụng chuyển đổi số.
Phát huy những thành tích đạt được, với nhiều phong trào tiêu biểu, năm 2022, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương lao động Hạng 3, được Ủy ban nhân dân Quận công nhận: Trường học Điên tử. Thực hiện vai trò của trường học Điện tử, thời gian này, nhà trường lại tiếp tục ứng dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số vào công tác và giảng dạy, rất nhiều công việc được ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo Al, điểm danh học sinh bằng nhận diện khuôn mặt … giúp cho công tác quản lý, giảng dạy của nhà trường đạt hiệu quả, khoa học, nhanh gọn, chính xác, đáp ứng thời kì 4.0 và hội nhập thế giới.
NGƯT Ngô Hồng Giang – Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu nhà trường đón nhận Huân chương lao động hạng III tháng 11 năm 2022
Cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng đội ngũ được đáp ứng theo khung năng lực vị trí việc làm, chất lượng học tập của học sinh được giữ vững và phát triển, tháng 12 năm 2023, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận: Trường đạt Kiểm định chất lượng giáo dục, được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận: Trường đạt Chuẩn Quốc gia lần 3.
Với tôn chỉ: Đoàn kết - Trách nhiệm - Tôn trọng - Đổi mới - Hội nhập - Cùng phát triển, thầy và trò nhà trường luôn ý thức phải giữ gìn và phát huy truyền thống của nhà trường. Hiện tại nhà trường có tổng số 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên, gần 1400 học sinh trên 28 lớp, đội ngũ nhà trường luôn phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, hiện tại nhà trường có hai thầy cô giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú. 10 thầy cô giáo là Thạc sĩ, 100% thầy cô có bằng Đại học trở lên. Tính từ năm 2003 đến nay, nhà trường có: 01 thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi cấp Quốc gia; 20 thầy cô giáo đạt Giáo viên Giỏi cấp Thành phố; 119 lượt thầy cô giáo đạt Giáo viên Giỏi cấp Quận với nhiều giải cao. 901 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi cấp Quận, 393 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi cấp Thành phố, 490 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi tại sân chơi trí tuệ, nghệ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế với nhiều giải Huy chương Vàng, Bạc, Đồng… Tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập luôn giữ vững Top đầu của quận Long Biên và được xếp trong Top 100 các trường có học sinh đỗ cao của thành phố Hà Nội. Nhiều học sinh đỗ từ 2 đến 3 trường Chuyên THPT của thành phố Hà Nội.
Với sự cố gắng, nỗ lực tâm huyết, sáng tạo, đổi mới của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, từ khi thành lập đến nay, Tập thể nhà trường liên tục đạt: Tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố với các hình thức khen thưởng như sau:
- 02 Huân chương Lao động Hạng III năm học (Năm học 1999-2000, năm học 2021-2022).
- 06 Bằng khen của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
- 06 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- 10 Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCSHCM.
- 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2013-2014 và năm học 2023-2024.
- 01 Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
- 03 Bằng khen của Liên đoàn lao động TP Hà Nội.
- 01 Bằng khen của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
- 01 Cờ của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
- 01 Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.
Và nhiều giấy khen của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Long Biên, Sở GD&ĐT, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Bồ Đề và các ban ngành trong quận Long Biên.
60 năm qua, 60 khóa học, học sinh trường THCS Ngọc Lâm đã trưởng thành, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, làm rạng danh truyền thống nhà trường, truyền thống quê hương. Đó là những lớp học sinh vừa rời ghế nhà trường đã xung phong lên đường đánh Mỹ. Các anh đã để lại niềm cảm phục tự hào trong tâm trí thầy cô và bạn bè.
Trường còn rất tự hào vì có nhiều thầy cô giáo là giáo viên giỏi cấp Quận, cấp Thành phố, cấp Quốc gia, là giáo viên cốt cán trong ngành giáo dục, là nhà nghiên cứu, nhà viết sách có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà, là cán bộ quản lí các trường từ cấp Mầm non đến THPT. Nhiều cựu học sinh nhà trường hiện nay đang là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các thầy thuốc, sĩ quan, các cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt trường còn có rất nhiều các cựu học sinh đang làm việc và giữ những vị trí quan trọng ở các nước bạn trên Thế giới. Còn cả những cựu học sinh là những doanh nhân thành đạt trong các doanh nghiệp, là những công nhân ngày đêm lao động sản xuất làm giàu cho quê hương đất nước. Và còn cả những học sinh hiện nay đang theo học ở những trường Trung học phổ thông, các trường Đại học, các em đã và đang tham dự đội tuyển cấp Quốc gia, Quốc tế ở những lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… và đã giành được nhiều giải cao, nhiều huy chương làm rạng danh cho bản thân, gia đình, nhà trường và quê hương, đất nước.
Con tàu tri thức vẫn chuyển bánh, hành trình khám phá những miền đất mới vẫn tiếp tục được mở ra với thầy và trò nhà trường. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với niềm tin, niềm hy vọng, sự kế thừa và phát huy những thành tích đáng tự hào trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển của biết bao thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và sự nỗ lực phấn đấu của học sinh nhà trường qua các thời kỳ, chúng ta với một lòng quyết tâm cao: “Tự hào – Vươn cao – Tỏa sáng”. Tin tưởng rằng Trường THCS Ngọc Lâm sẽ mãi tiếp tục thành công với những bước tiến dài, khẳng định vị thế, sáng mãi trang sử vàng truyền thống của một ngôi trường 60 năm tuổi, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung.
Long Biên, ngày 02 tháng 8 năm 2024