“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Ở phía Bắc dòng sông Hồng hiền hòa là ngôi trường THCS Ngọc Lâm với gần 60 năm xây dựng và trưởng thành. Ngôi trường ấy ngày càng vững mạnh, phát triển và đóng góp nhiều “hoa thơm, trái ngọt” cho nền giáo dục nước nhà cũng như ngành giáo dục và ĐT quận Long Biên. Con thuyền Ngọc Lâm với bề dày thành tích đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, luôn vững tay chèo dưới sự đoàn kết của tập thể giáo viên, nhân viên các thế hệ của nhà trường, trong rất nhiều những bông hoa đẹp của ngành giáo dục, có một bông hoa tươi thắm khoe sắc rực rỡ, xinh đẹp, dịu dàng, vừa nghiêm túc nhưng cũng rất hòa đồng thân thiện, đó là Nhà giáo Đỗ Minh Phượng- Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy môn KHTH và môn Sinh học, Hóa học. Hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp “ trồng người” dù ở vị trí nào, nhiệm vụ nào Cô cũng luôn hết mình, gương mẫu và tâm huyết, cô chính là một tấm gương điển hình “ người tốt, việc tốt”, là nhà giáo đi đầu trong công tác dạy và học, luôn tâm huyết và sáng tạo trong các hoạt động.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Tình yêu trẻ, yêu nghề giáo đã hun đúc cô gái xinh đẹp ấy luôn cố gắng học tập và mang theo ước mơ của mình đến giảng đường. Là cô gái mang tâm hồn lãng mạn, yêu thích văn chương nhưng lại khao khát trở thành giáo viên dạy Hóa – Sinh nên sau khi tốt nghiệp trường CĐSP Hà Nội khoa Hóa- Sinh, cô tiếp tục học khoa Hóa học trường Đại học Khoa Học tự nhiên. Năm 2002, Cô bắt đầu đứng trên bục giảng tại trường THCS Phù Đổng – Huyện Gia Lâm, đến năm 2004 cô đỗ biên chế về trường THCS Phúc Đồng. Tại nơi đây với 10 năm công tác cô đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh. Từ năm 2014 nhà giáo Đỗ Minh Phượng chuyển công tác về trường THCS Ngọc Lâm và gắn bó cho tới nay. Cô trở thành một cô giáo dạy bộ môn Hóa học, Sinh học với chất giọng truyền cảm, những bài giảng khơi gợi niềm say mê với những định luật mendel, những phương trình hóa học cho các em học sinh. Qua quá trình không ngừng học hỏi, tâm huyết say mê với vai trò của “ Người kỹ sư tâm hồn”, Cô trở thành một giáo viên nhiệt huyết, một tổ trưởng chuyên môn sâu sát, nhiệt tình, trách nhiệm. Được cấp trên tin tưởng, được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Cô Phượng đã chứng tỏ chuyên môn vững vàng của mình, sức "thu hút" với học sinh qua việc đào tạo được những thế hệ học sinh, chăm ngoan và nhất là các em đều rất năng động, sáng tạo.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng - Giáo viên trường THCS Ngọc Lâm
Là một đảng viên, giáo viên có 21 năm gắn bó với nghề giáo, 10 năm gắn bó với ngôi trường THCS Ngọc Lâm, cô luôn trân quý “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, luôn nỗ lực rèn luyện để có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống gương mẫu, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ để đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong giáo dục, có kiến thức tốt nhất truyền thụ lại cho các thế hệ học trò, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”. Khi được phân công giảng dạy môn Hóa học, Sinh học, cô luôn chủ động tự nghiên cứu, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, tự thiết kế các đoạn phim tư liệu, cải tiến và làm thêm các đồ dùng dạy học phục vụ cho các bài giảng. Năm học 2021 -2022, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai ở cấp THCS. Để đáp ứng với nhiệm vụ giảng dạy môn Khoa học Tự nhiên – một môn học với rất nhiều sự thay đổi, cô đã chủ động tham gia lớp bồi dưỡng dành cho giáo viên giảng dạy Khoa học Tự Nhiên, tại trường Đại học Thủ Đô. Sau khóa học, cô Đỗ Minh Phượng đã vinh dự đạt chứng chỉ xuất sắc với kết quả tổng kết cao nhất (9,35 điểm). Trong quá trình giảng dạy, để tiết học thêm hấp dẫn, tạo hứng thú cho các em học sinh, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, Cô còn miệt mài tìm hiểu qua tài liệu, chia sẻ với đồng nghiệp, liên hệ và tích lũy từ cuộc sống đưa vào bài dạy giúp kiến thưc trở nên sinh động, dễ hiểu và gần gũi hơn.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng trong Hội thi "Nhà giáo Long Biên tâm huyết, sáng tạo"
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng trong mắt đồng nghiệp và học trò chính là tấm gương sáng luôn “ tâm huyết với nghề”. Trước hết, trong công tác chuyên môn, Cô luôn bám sát vào chương trình cũng như các công văn, chỉ đạo của cấp trên, luôn đi đầu, gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động của nhà trường, vươn lên khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tín nhiệm.
Bằng sự tâm huyết với nghề, cô giáo Đỗ Minh Phượng luôn mày mò, tìm hiểu những phương pháp tốt nhất giúp các em tự tin trong học tập và đặc biệt quan tâm những học sinh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. Cô Phượng còn áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy sáng tạo để đưa môn Hóa học, Sinh học, KHTN gần hơn với các em thông qua trò chơi vui học, vận dụng mô hình trường học mới vào việc tổ chức lớp học, hình ảnh kết hợp bài giảng, tổ chức các trò chơi theo nhóm, đội, đố vui để kích thích khả năng sáng tạo, giúp các em tiếp thu bài học nhanh hơn. Bởi theo cô “Chỉ khi yêu thích, say mê và tự nguyện học, cánh cửa tri thức mới càng thêm rộng mở”, nên việc giảng dạy không chỉ là truyền đạt cho các em kiến thức mà còn giúp các em trở thành con người có ích cho xã hội và cải thiện kỹ năng sau này. Cô giáo Phượng đã sử dụng linh hoạt phương pháp dạy học hiện đại, “học mà chơi - chơi mà học”, kiến thức từ cơ bản đến nâng cao được lồng ghép vào các trò chơi khiến tiết học diễn ra vô cùng sôi nổi, các con học sinh hứng thú tiếp thu, hăng hái xây dựng bài. Hơn nữa, nhằm phát huy tốt nhất khả năng tư duy của học sinh, cô giáo đã khéo léo liên kết các phần với nhau bằng các các hoạt động tập thể, đội, nhóm, cá nhân kết hợp với các trò chơi khác nhau cùng với các hình ảnh minh hoạ đẹp mắt và sinh động. Với khả năng biến hoá, lồng ghép tài tình nhiều trò chơi vui nhộn, cô Phượng đã tạo một không khí sôi động giúp học sinh vô cùng hào hứng và hăng hái xung phong tham gia. Chính từ suy nghĩ “Một giáo viên không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn có tình yêu thương với học trò” cô đã động viên kịp thời, thúc đẩy niềm say mê học tập của học sinh. Cùng với việc vận dụng linh hoạt sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, cô Phượng luôn quan tâm phân loại học sinh để có phương pháp truyền đạt kiến thức phù hợp hơn, từ đó phát huy được tính tích cực chủ động của các em. Cô cũng là giáo viên gương mẫu đi đầu trong việc soạn bài giảng điện tử, tạo nên những giờ học sinh động và hiệu quả... Cô giáo Đỗ Minh Phượng chính là tấm gương tâm huyết “ người tốt, việc tốt“ biết “truyền lửa” – khơi dậy sự đam mê. Trước mỗi giờ lên lớp, cô luôn giữ thái độ tích cực, tự trau dồi, tích lũy chuyên môn, đọc nhiều, hiểu sâu vấn đề mà mình dạy; thường xuyên tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp; chủ động tìm tòi tư liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang website nào hữu ích, các đề thi hay, chuyên đề hấp dẫn… để sưu tầm tài liệu và hướng dẫn học sinh tìm tài liệu học tập. Trong quá trình bồi dưỡng, cô phải lập một kế hoạch giảng dạy thật cụ thể, chi tiết, chia ra nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn phải cụ thể đến từng tuần, từng bài. Trong từng giai đoạn gắn liền với nội dung thực hiện, đảm bảo tính hệ thống, đầy đủ, chặt chẽ và chuyên sâu theo các chuyên đề. Sau mỗi giai đoạn cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, đề ra phương hướng thực hiện và điều chỉnh cho các giai đoạn tiếp sau.
Với mỗi học sinh, Cô luôn quan tâm cả điều kiện hoàn cảnh gia đình, cách học, quá trình tự học của học sinh, coi việc tự học của học sinh là quyết định sự thành công trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; cô tư vấn cho học sinh cách sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý và hiệu quả, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, giải trí; chú ý kết hợp các biện pháp về tâm lý. Sau mỗi bài thi, sẽ có những em thành công và có những em thất bại,cô luôn động viên các em bằng những phần quà nhỏ, động viên các em viết ra suy nghĩ của mình về nguyên nhân thành công (thất bại) của bản thân, đề ra phương hướng, kế hoạch và mục tiêu cho những lần thi sau tạo động lực phấn đấu. Từ đó, cô cũng nắm bắt rõ thế mạnh cũng như điểm yếu của từng học sinh để có phương pháp, định hướng phù hợp cho từng em, giúp các em thêm tự tin. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn khuyến khích các em có những lời giải độc đáo, mang tính mới lạ, sáng tạo. Với một sáng kiến của các em, có thể là rất nhỏ, nhưng ta khéo léo khuyến khích coi nó là một công trình khoa học nhỏ. Từ đó, nhen nhóm nó thành ngọn lửa say mê nghiên cứu để dần có được công trình khoa học lớn hơn. Trong quá trình công tác, với những nỗ lực không ngừng, người “kĩ sư tâm hồn” ấy đã đạt được nhiều thành tích và đã được nhà trường, các cấp, ngành ghi nhận như: 6 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đạt giải Nhì giáo viên giỏi cấp Thành phố, sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng cùng tổ chuyên môn
Với vai trò Tổ trưởng chuyên môn tổ KHTN của trường THCS Ngọc Lâm cô luôn chủ động nghiên cứu tìm tòi nhiều sáng kiến hay phục vụ công tác giảng dạy, chủ động tham mưu với Ban giám hiệu, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các đồng nghiệp, đặc biệt là trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi các cấp đạt nhiều kết quả cao. Bất kì nhiệm vụ nào cô cũng miệt mài hỗ trợ, hướng dẫn và chia sẻ cùng đồng nghiệp. Tận tình chỉ bảo và góp ý cho các đồng nghiệp trẻ về chuyên môn và phương pháp, sự ân cần như một người cô, người chị của Nhà giáo Đỗ Minh Phượng khiến tổ KHTN luôn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc. Trong các buổi sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn Cô luôn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chuyên đề, định hướng phương pháp dạy học...và cùng tổ nhóm tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho anh chị em về chuyên môn. Cô luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, có nhiều tiết dạy hay và thường xuyên đôn đốc, động viên các giáo viên khác thực hiện tốt quy chế chuyên môn. Đó là lí do cô luôn được Ban giám hiệu, đồng nghiệp đánh giá cao, nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp Quận, Thành phố và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đối với công tác chủ nhiệm lớp, sự tâm huyết của Nhà giáo Đỗ Minh Phượng chính là sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ và dồng hành cùng các em học sinh, các bậc phụ huynh. Cô luôn tìm hiểu hoàn cảnh, đặc điểm của từng học sinh, lắng nghe, chia sẻ và thường xuyên quan sát tâm lý các em, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường. Không áp dụng máy móc một phương pháp hay cách thức quản lý. Đặc biệt, cô luôn nhiệt tình, ân cần, khoa học và công bằng giữa các học sinh, đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh… xây dựng đội ngũ tự quản với các tiêu chí thi đua rõ ràng, công khai, tạo động lực cho các em phấn đấu.Tiêu biểu như lớp chủ nhiệm niên khóa 2020-2024. Năm học 2022 -2023, tập thể 8A3 đã được Quận đoàn Long Biên tặng giấy khen Chi đội xuất sắc cấp Quận, nhiều cá nhân tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi Văn hóa – văn nghệ - các cuộc thi sân chơi Quốc tế, như: 02 học sinh đạt giải Ba – cấp Quốc Gia, giải Nhì cấp Thành phố - cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2022. Huy chương Đồng toàn quốc cuộc thi Thắp sáng Những ngôi sao buổi sớm. 01 giải Bạc, 01 giải Đồng cuộc thi toán AIMO 2022. 01 giải xuất sắc cấp Quốc gia cuộc thi toán Bebras. Với Phụ huynh và các em học sinh cô không chỉ là người thầy còn là người chị, người mẹ, người bạn đồng hành và chia sẻ cùng các con. Chứng kiến và vun đắp cho những “ mầm xanh” được tươi tốt và khỏe mạnh.
Tâm huyết với nghề trồng người miệt mài khuya sớm, Cô giáo Đỗ Minh Phượng vẫn làm tốt vai trò người phụ nữ của gia định. Chăm lo chu toàn công việc nhà. Là người vợ, người mẹ tuyệt vời, là người con dâu chu đáo, hiếu thảo. Cô luôn nhận được sự động viên, chia sẻ và yêu thương của chồng, hai con luôn chăm ngoan học giỏi. Năm 2013 cô đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2008 – 2013. Gia đình công nhân viên tiêu biểu năm 2022.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng nhận Giấy khen "Gia đình CNVCLĐ tiêu biểu năm 2022"
Không chỉ tâm huyết trong chuyên môn, Nhà giáo Đỗ Minh Phượng còn luôn sáng tạo không ngừng để tiếp lửa “ tri thức” cho các em học sinh. Trong việc học tập, ôn luyện kiến thức và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ông cha ta đã đúc kết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bồi dưỡng học sinh giỏi là bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước, là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Song, đây lại là một hành trình dài đầy khó khăn, áp lực, một hành trình mà cả thầy và trò đều phải vượt qua rất nhiều thử thách, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có đủ sự kiên trì, có đủ niềm đam mê chinh phục các đỉnh cao của tri thức, một hành trình cực kỳ đặc biệt – hành trình để mài giũa nên những viên ngọc sáng, những học sinh có năng lực và sức sáng tạo, tư duy tốt.
Là giáo viên giảng dạy tại THCS Ngọc Lâm – một ngôi trường với bề dày thành tích dạy và học, đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, cô đã dành nhiều hơn sự tâm huyết của mình cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học và Khoa học; hướng dẫn đội tuyển dự thi Nghiên cứu Khoa học kĩ thuật và cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, nhi đồng, của nhà trường. Từ năm học 2019 - 2020, khi được giao nhiệm vụ phụ trách và trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa học và Khoa học, cô đã mạnh dạn áp dụng những giải pháp đổi mới sáng tạo : Áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược để “ươm mầm”: Khi môn Hóa học cấp THCS bắt đầu được giảng dạy ở năm học lớp 8. Đây là năm học bản lề quan trọng trước khi học sinh tập trung cho kỳ thi chuyển cấp. Giai đoạn này cũng là thời điểm học sinh có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lí, học sinh thường rất hiếu động, khả năng tập trung chưa cao. Hóa học lại là bộ môn khoa học thực nghiệm, đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận.
Đứng trước thực tế khó khăn đó, cô đã rất trăn trở làm thế nào để học sinh yêu thích Hóa học và Khoa học Tự nhiên, việc học Hóa học sẽ trở nên nhẹ nhàng, kích thích và khơi dậy được niềm đam mê học tập của học sinh, phát hiện và xây dựng nguồn học sinh giỏi của bộ môn? Tất cả những câu hỏi đó đã thôi thúc cô tìm tòi và đi đến quyết định áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” để “ươm mầm”. Khi giảng dạy tại các lớp đại trà khối 8, cô đã xây dựng thành các chủ đề kiến thức, chia lớp thành các nhóm học tập nhỏ (từ 3 - 5 học sinh), và giao nhiệm vụ học tập ở nhà. Học sinh các nhóm trao đổi, thống nhất nội dung, phương pháp nghiên cứu. Cô luôn khuyến khích và khen thưởng cho các nhóm có sử dụng kỹ năng thực hành thí nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong các bài báo cáo. Đồng thời, để chuẩn bị cho phần trình bày trước lớp, các nhóm được yêu cầu đăng ký với giáo viên về thời gian đến phòng thực hành thực hiện các thí nghiệm, đề xuất danh mục hóa chất, đồ dùng mà nhóm cần... Cô sẽ cùng đồng hành để hỗ trợ, giải đáp cho các em. Qua nhiều năm học áp dụng, thực hiện giải pháp trên, sau khoảng 2 - 3 chủ đề kiến thức, cô đã ươm được những “mầm xanh” đầu tiên, vừa khơi gợi được sự sáng tạo, tìm tòi, tự học của các em học sinh, vừa giúp các em phát huy năng lực tư duy và nhất là nhen nhóm được tình yêu với môn Hóa học – Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng để cô có thể phát hiện và xây dựng nguồn học sinh giỏi của bộ môn.
Bên cạnh đó, cô giáo Đỗ Minh Phượng luôn sáng tạo để xây dựng “Hệ sinh thái học tập trực tuyến” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đây là công việc khó khăn, vất vả, nhưng cũng đầy vinh quang, trách nhiệm và niềm tự hào, đòi hỏi giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, phương pháp mới phù hợp với xu thế thời đại, đặc biệt là trong ba năm học gần đây, khi dịch Covid – 19 bùng phát. Để thích ứng với tình hình mới, khi triển khai việc bồi dưỡng học sinh giỏi theo hình thức trực tuyến, cô đã mạnh dạn áp dụng giải pháp nhằm xây dựng “Hệ sinh thái học tập trực tuyến”. Năm học 2019 -2020, được phân công phụ trách và trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học và IJSO, cô bắt đầu thực hiện ý tưởng kết nối giữa các thế hệ học sinh giỏi môn Hóa học trường THCS Ngọc Lâm. Qua đó, học trò khóa trước có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng học tập, hoặc hỗ trợ tài liệu cho học sinh khóa sau, góp phần làm tăng thêm hiệu quả của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Đến năm học 2022 – 2023, Câu lạc bộ Hóa học Ngọc Lâm đã kết nối thành công năm khóa học, với 19 thành viên là cựu học sinh giỏi môn Hóa. Các em đều đang phát huy rất tốt niềm đam mê Hóa học của mình ở các sân chơi Quốc Gia, hỗ trợ rất nhiều cho Câu lạc bộ. Điển hình nhất là: Em Lương Minh Hiếu Ngọc (niên khóa 2017 – 2021) – Hiện đang theo học lớp Chuyên Hóa – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam - Giải Nhì cấp Thành phố năm 2020 – 2021; giải Nhất cấp quốc Gia – năm học 2022 – 2023; Huy chương vàng kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên Hải và đồng bằng Bắc Bộ năm 2022 (Top 5). Em Nguyễn Trần Anh (niên khóa 2018 – 2022) – Hiện đang theo học lớp Chuyên Hóa – Trường THPT chuyên Khoa học Tự Nhiên – Đại học KHTN – Đại học Quốc Gia Hà Nội – Giải Nhất cấp Thành phố (với số điểm 19,5 – cao nhất Thành phố) – là thành viên đội tuyển Quốc gia. Em Lê Hồng Linh (niên khóa 2016 – 2020); em Lê Trung Kiên (niên khóa 2018 – 2022): hiện đang theo học lớp Chuyên Hóa – Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng cùng các học sinh
Trong 3 năm học gần đây nhất, đội tuyển học sinh giỏi 10 môn văn hóa và Khoa học của trường THCS Ngọc Lâm tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Năm học 2020 – 2021: đạt 1 giải Nhì - 1 giải Khuyến khích cấp Thành phố. Năm học 2021 – 2022: đạt 1 giải Nhất – 1 giải Nhì – 2 giải Ba – 2 giải Khuyến khích cấp Thành phố. Năm học 2022 – 2023: đạt 1 giải Nhất – 2 giải Nhì – 3 giải Ba – 3 giải Khuyến khích cấp Thành phố.
Sự miệt mài, sáng tạo và tâm huyết của cô đã được đền đáp xứng đáng với thành tích giải Ba cấp Quận cuộc thi “ Nhà giáo tâm huyết sáng taọ” được tổ chức năm 2022-2023.Tiếp nối những thành tích ngày càng vẻ vang, ngôi trường THCS Ngọc Lâm luôn tự hào vì có một người cô, người chị, người đồng nghiệp tận tâm với nghề, sáng tạo trong công việc và nhiệt huyết, trách nhiệm với mọi nhiệm vụ được giao.
Nhà giáo Đỗ Minh Phượng đạt giải Ba Nhà giáo Long Biên tâm huyết sáng tạo năm học 2022-2023
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với nghề giáo, thực hiện sứ mệnh trồng người, những đóng góp của cô giáo Đỗ Minh Phượng thật đáng trân trọng. Cô là bông hoa đầy màu sắc, gương mẫu, đi đầu trong phong trào “Người tốt, việc tốt” và phong trào "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương tự học - sáng tạo" của trường THCS Ngọc Lâm nói riêng và của ngành giáo dục quận Long Biên nói chung và là tấm gương sáng để các giáo viên, học sinh học tập và noi theo. Người tổ trưởng ấy không chỉ là tấm gương sáng, là bông hoa đẹp của trường THCS Ngọc Lâm. Bông hoa ấy luôn sáng từ tâm, yêu thương bằng cả tấm lòng, luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo và tâm huyết với mọi nhiệm vụ được giao. Người tốt, việc tốt mà Nhà giáo Đỗ Minh Phượng đã và đang cống hiến trong sự nghiệp “trồng người” dù ở cương vị nào cũng luôn lan tỏa năng lượng tích cực tới bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò thân yêu!