Thực hiện Kế hoạch số 300/KH-UBND ngày 15/8/2019 "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn quận Long Biên đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngày 26/8/2019, trường THCS Ngọc Lâm đã tổ chức buổi chào cờ nhằm tuyên truyền, vận động các em học sinh cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe và hệ sinh thái.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa rất nhiều năm nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loại sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến 2050 ở các địa phương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới. Đáng chú ý là lượng túi ni lông tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”, “
Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh và vận động người thân cùng thực hiện.
Nội dung của bài tuyên truyền như sau:
"Túi nilon và các loại chai nhựa đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon trong một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 năm đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon và các chai nhựa lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Nếu túi nilon và đồ nhựa bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon và chất thải nhựa sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…
Vậy chúng ta hãy hành động ngay hôm nay, ngay trong môi trường chúng ta đang sinh sống, các bạn HS trường THCS Ngọc Lâm hãy tự giác và kêu gọi người thân:
- Hạn chế sử dụng túi nilon và chất thải nhựa thông thuờng bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng.
- Không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua.
- Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon và chất thải nhựa để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định.
Sử dụng túi nilon thuận tiện và hữu ích, việc sử dụng túi nilon là một biện pháp khá tốt, bên cạnh đó chúng ta nên sử dụng túi nilon một cách hiệu quả nhất để giảm thiểu rác thải ra môi trường, tái chế sử dụng nó để góp phần làm sạch môi trường./."