Tết Trung thu có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước.Từ xa xưa, người dân rất coi trọng hai thời điểm trong năm đó là: tiết mùa xuân là tiết vào mùa và mùa thu là tiết thu hoạch. Vào mùa thì có lễ cầu, tới kỳ thu hoạch sẽ có lễ tạ ơn. Đó là phong tục chung của cư dân trồng trọt. Người dân vui mừng mùa màng bội thu nên làm lễ tạ ơn Trời đất, tạ ơn Thần Nông, lễ tạ ơn ông bà tổ tiên. Tết Trung thu là một trong những lễ tết lớn nhất của người Việt, diễn ra vào giữa mùa thu, đúng vào rằm tháng tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm.
Vào thời Lý, Tết Trung thu đã trở thành lễ hội mang tính chất quốc gia do chính nhà vua tổ chức, diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động như cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân, đua thuyền, biểu diễn rối nước, rối cạn… Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long đều được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem hội. Các triều đại phong kiến sau, Trung thu vẫn là lễ tiết quan trọng của hoàng tộc và đất nước.
Trong dân gian truyền thống, các gia đình ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ thường có bánh hình mặt trăng, tôm, cá, hoa, quả… được làm từ bột và nhuộm màu sặc sỡ cùng các sản vật mùa thu như cốm, hồng, na, chuối, bưởi… Mọi người cùng ngắm trăng thưởng nguyệt, vui chơi chơi, rước đèn, phá cỗ trong tiếng trống của múa lân, sư tử cùng nghe hát trống quân như một ngày hội dưới ánh trăng rằm.
Ở Việt Nam, từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Tết Trung thu đã thực sự trở thành Tết của thiếu nhi của cả nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn dành những tình cảm yêu thương và sự quan tâm sâu sắc tới Thiếu niên Nhi đồng. Trung thu nào Người cũng gửi cho thiếu nhi chúng mình với những lời thơ đầy cảm động. Trong buổi lễ này, ngoài việc được tìm hiểu về ý nghĩa của Tết trung thu, các em học sinh còn được tham gia vào các trò chơi trả lời có thưởng, xem múa lân, các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các em đều tỏ ra thích thú và hào hứng với những hoạt động đầy màu sắc trong buổi lễ trung thu này.
Với mong muốn tái hiện những hình ảnh Trung thu truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, chương trình Vui tết Trung thu được tổ chức nhằm tạo cho các em học sinh được trải nghiệm những hoạt động bổ ích, ý nghĩa và tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc, hi vọng các em bắt đầu một tuần học mới với nhiều niềm vui hơn.
Một mùa Trung thu bổ ích và tràn ngập yêu thương đang đón chờ các em học sinh thân yêu của trường THCS Ngọc Lâm. Chúc cho các em học sinh có một tuần học mới đầy ắp niềm vui!
Một số hình ảnh tại chương trình Vui Tết Trung Thu: