Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Bạo lực học đường từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Không chỉ có nam sinh, mà những năm gần đây, tình trạng các nữ sinh trở thành đối tượng gây nên các vụ đánh nhau đã tăng cao. Hậu quả của các vụ bạo lực học đường không chỉ dẫn đến những chấn thương về thể xác, mà còn ảnh hưởng nặng đến tinh thần nạn nhân.
Với mong muốn giáo dục kỹ năng sống cũng như nhận thức về vấn đề nhiều trăn trở này, sáng ngày 16/12/2024, trường THCS Ngọc Lâm đã mời Tiến sĩ Phạm Văn Tư- Giảng viên khoa Tâm lí trường Đại học Sư phạm Hà Nội trò chuyện, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cho hơn 1300 em học sinh nhà trường.
Tiến sĩ Phạm Văn Tư- Giảng viên khoa Tâm lí trường Đại học Sư phạm Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng nhà trường
Trong chương trình tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh, Tiến sĩ Phạm Văn Tư đã đem đến cho các em học sinh những thông tin về thực trạng vấn nạn bạo lực học đường; tìm hiểu những nguyên nhân, hậu quả xấu của bạo lực học đường, các kiến thức cơ bản về cách phòng, chống bạo lực học đường. Hướng dẫn học sinh cách xử lý khi gặp bạo lực học đường.Với cách truyền đạt ngắn gọn, gần gũi có liên hệ với thực tiễn, buổi tuyên truyền đã đem lại hiệu quả thiết thực, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường.
Tiếp đó, để khuấy động không khí, Tiến sĩ Phạm Văn Tư đã thông qua trò chơi tương tác, các câu hỏi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường giúp các em học sinh giao lưu, chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của mình với vấn nạn bạo lực học đường. Những vấn đề đưa ra đã nhận được sự tham gia sôi nổi, tích cực của các em học sinh toàn trường. Qua đó, cũng đã thể hiện được nhận thức và sự quan tâm của chính các em với vấn đề “nổi bật” này.
Chương trình tuyên truyền cũng nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường, phát huy sức mạnh tổng hợp của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tham gia phòng, chống bạo lực học đường. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong trường học.
Thay mặt nhà trường, Nhà giáo ưu tú Ngô Hồng Giang đã gửi tặng bó hoa tươi thắm cùng lời cảm ơn tới Tiến sĩ Phạm Văn Tư - Giảng viên khoa Tâm lí trường Đại học Sư phạm Hà Nội - với buổi chia sẻ bổ ích và hiệu quả. Mong rằng sẽ có thật nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống được lan tỏa với những chủ đề nổi bật tới các em học sinh.
Một số hình ảnh trong chuyên đề: