Trong giai đoạn dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các nhà trường thực hiện học tập dưới hình thức online với rất nhiều khó khăn . Với sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh. BGH nhà trường đã mời Tiến sĩ Tâm lí Phạm Văn Tư, chuyên gia tư vấn , tham vấn trị liệu, phó trưởng khoa Công tác xã hội trường ĐHSP Hà Nội cùng giao lưu, tọa đàm với các bậc phụ huynh của nhà trường có con đang học lớp 6,7,8,9 tại nhà trường. Buổi tọa đàm được kết nối dưới hình thức online qua nền tảng phần mềm zoom, diễn ra vào hai buổi tối ngày 31/8 và 01/9/2021 trong khoảng thời gian từ 20h00 đến 22h00.
Khi các con học sinh bước vào bậc THCS với những biến đổi tâm sinh lý, cũng là khi cần sự đồng hành và chia sẻ của cha mẹ, thầy cô. Hay những học sinh chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp, khi chuẩn bị “
vượt vũ môn” với những lo lắng, băn khoăn trong việc chọn trường, ôn tập hay trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô. Mỗi đứa trẻ tiềm ẩn trong tâm hồn là một hạt giống. Thầy cô, nhà trường, gia đình hãy cùng chung tay nuôi dưỡng những hạt giống tốt để các con được sống, học tập và phát triển một cách toàn diện.
Đã bao giờ cha mẹ thấy gặp khó khăn, thậm chí thấy bế tắc và bất lực khi đồng hành cùng con? Dù tình yêu thương mà mẹ cha dành cho con là vô bờ bến, không có gì đong đếm được. Khi dạy con học, khi nói chuyện cùng con, khi chia sẻ những mong muốn của mình với con…mà vô hình như có một bức tường ngăn cách. Khi con đang tuổi bắt đầu trưởng thảnh về tâm sinh lý, liệu rằng cha mẹ đã thực sự hiểu con? Đã dành thời gian đúng cho con và yêu thương, đồng hành cùng con đúng mức?
Trong triết lí giáo dục đã khẳng định rằng
“không có một phương pháp giáo dục nào tốt hơn là sự thật”. Cha mẹ hãy tìm ra sự thật của con để có phương pháp đồng hành. Con có điểm mạnh, yếu, sở thích gì? “
Mọi ổ khóa đều có chìa để mở- bất kì vấn đề nào cũng có cách giải quyết phù hợp, tập trung vào giải pháp thay vì tập trung vào vấn đề”. Không phải chỉ cần cho con cuộc sống đủ đầy, học ở ngôi trường tốt, đáp ứng mọi yêu cầu, sở thích của con là đủ. Bởi thứ các con cần chính là sự thấu hiểu và đồng hành. Chình vì vậy cha mẹ hãy một lần tĩnh lại, lắng nghe để hiểu được tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con và nhà trường. Sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và mục tiêu chung. Nhà trường là nơi kiến tạo tầm nhìn và thực thi chiến lược giáo dục, thầy cô là người thực hiện hiệu quả vai trò của người giáo viên ,mẹ cha là người thực hiện tròn vai làm cha mẹ, tất cả cùng gắn kết và hướng tới mục tiêu đồng hành cùng học sinh, cùng con trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách và tri thức. Giúp cho con có thể cân bằng giữa học tập và cảm xúc xã hội, cùng tạo ra sự đồng thuận, động lực cho con để học tập, rèn luyện. Tất cả vì mục tiêu, lợi ích tốt nhất cho học sinh, tất cả vì sự trưởng thành, hạnh phúc của con. Bởi sự trưởng thành của con chính là hạnh phúc của những người làm cha mẹ, của thầy cô!
Trong cuộc sống và trong quá trình học tập của con, cha mẹ thường gặp những khó khăn gì khi đồng hành cùng con? Tiến sĩ đã cùng cha mẹ chỉ ra những vấn đề nổi bật đó cùng cha mẹ. Khó khăn đầu tiên là cha mẹ chưa biết cách đọc đúng vị về con tuổi dậy thì, việc học tập qua online con gặp khó khăn gì? Cha mẹ chưa thấu hiểu con, chưa quản trị được cảm xúc bản thân, bị cảm xúc tiêu cực chi phối rất mạnh trong quá trình tương tác với con.
Cha mẹ chưa thực hành tốt kĩ năng lắng nghe tích cực với con, chưa trao đầy đủ cho con 3 quyền cơ bản là quyền được trưởng thành, quyền được mắc lỗi, quyền được nói, bày tỏ một cách phù hợp để con có cơ hội tự lập, trưởng thành.
Cha mẹ thiếu kiên nhẫn trong quá trình giao tiếp với con, tương tác cùng con, chưa dành thời gian chất lượng cho con, luôn coi con là những “
đứa trẻ ranh” trong qúa trình giao tiếp và tương tác. Đôi khi cha mẹ còn khen - chê chưa phù hợp, còn so sánh con với người khác, với bạn bè, chưa nhìn nhận vào mặt tích cực của con. Đôi khi cha mẹ:
“ Hiểu con nhưng chưa thấu hiểu!
Thương con nhưng chưa thương sâu!”
Cha mẹ hãy thấu hiểu con, hãy dùng trí tuệ để hiểu con, thấu hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con, hiểu được điểm mạnh, yếu, sở trường, đam mê, thấu hiểu và chia sẻ với con từ những điều nhỏ nhất. Cha mẹ hãy quan sát đa chiều, đủ sâu, đủ lâu, đừng thờ ơ, bỏ mặc, buông xuôi, hãy yêu thương con nhưng không nuông chiều con.
Chính cha mẹ cũng có những lần hiểu lầm hay trách mắng con vô cớ, hãy cùng con nới lời xin lỗi, đưa tình yêu thương và sự vị tha đến gần hơn với cảm xúc. Để giữa cha mẹ và các con không còn khoảng cách. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con và nhà trường dựa trên 5 nguyên tắc quan trọng cơ bản: “
luôn tôn trọng, lắng nghe, nghiêm khắc-bao dung, có niềm tin và làm gương cho con”.
Để có thể đồng hành cùng con thật tốt, mỗi bậc cha mẹ hãy đặt ra cách thức đồng hành cùng con. Vận dụng linh hoạt các kỹ thuật: Lắng nghe tích cực, không phán xét, tập trung, chú ý; Khích lệ con, kỷ luật con khi cần; Giảm cái tôi; quản trị cảm xúc khi giao tiếp, hãy thường xuyên vận dụng các kỹ thuật, luôn luôn học – rèn - học để đạt hiệu quả tối đa.
Với những học sinh cuối cấp, lớp 8,9 khi các con đang trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ muốn thể hiện cái tôi cá nhân, cá tính của mình với cha mẹ, thầy cô và bè bạn. Sự bướng bỉnh, có khi bất cần hay bế tắc. Những lo lắng khi học tập và chọn trường như mong muốn. Cha mẹ, thầy cô hãy đồng hành cùng con vượt vũ môn an toàn. Hãy dựa vào khả năng của con, không áp đặt con hay dồn ép con theo ý của cha mẹ. Hãy cùng bày tỏ mong muốn, cùng thỏa thuận để con được tôn trọng và cố gắng hết mình. Hãy làm bạn cùng con, là người đồng hành tuyệt đối tin tưởng vào con và tin rằng “
Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành một hạt giống tốt nếu được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng cách”.
Đồng hành cùng con để thấu hiểu, đồng hành cùng thầy cô và nhà trường để phát triển toàn diện cho con. Đối với các thầy cô GVCN và nhà trường, cha mẹ hãy là những người đồng nghiệp, song hành, hợp tác và liên kết chặt chẽ. Hãy vận dụng nguyên tắc dấu bằng, luôn đồng hành, chia sẻ và san sẻ trong quá trình nuôi dạy con. Để làm được điều đó cha mẹ vận dụng 5 nguyên tắc vàng đồng hành cùng nhà trường: “
Luôn tôn trọng, đồng cảm, thấu hiểu, thống nhất, biết ơn”.
Cách thức phụ huynh đồng hành cùng nhà trường hiệu quả là luôn tham gia tích cực các buổi họp phụ huynh, luôn trân trọng, ghi nhận những việc làm, nhất là những việc làm sáng tạo mà nhà trường dành cho phụ huynh, giáo viên và các con học sinh. Cha mẹ cùng nhà trường tạo động lực cho học sinh, đồng thuận với việc triển khai các hoạt động phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh vì lợi ích tốt nhất của con.
Sau buổi tọa đàm với những chia sẻ vô cùng quý giá, các bậc phụ huynh đã có những trao đổi, thảo luận sôi nổi. Dường như trong mỗi câu chuyện của Thầy cha mẹ đều bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Những băn khoăn, lo lắng, những bế tắc của mẹ cha trong quá trình đồng hành cùng con đã được giải đáp. Cha mẹ các em sau buổi tọa đàm thêm tin yêu, sẵn sàng chia sẻ và kề vai sát cánh cùng thầy cô và nhà trường, cùng các con trong cuộc sống cũng như trong học tập. Thay mặt tập thể HĐSP nhà trường và các bậc phụ huynh, Nhà giáo Ngô Hồng Giang- Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Tiến sĩ , cảm ơn những chia sẻ quý báu đã giúp cho các bậc phụ huynh thêm vững tin trong quá trình đồng hành cùng con. Thêm gắn kết với con và nhà trường.!
Hy vọng qua buổi tọa đàm bổ ích này, mỗi bậc cha mẹ sẽ thấu hiểu hơn, cùng con xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng thầy cô và nhà trường xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Để các mối quan hệ giữa cha mẹ và các con, thầy trò, gia đình và nhà trường, giáo viên với phụ huynh luôn kết nối gắn bó, sẻ chia. Để hạnh phúc được lan tỏa…
Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm: