Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bếp ăn trường học là cả một chu trình từ ngoài đồng ruộng cho đến bàn ăn của học sinh. Tất cả các khâu, quy trình đều phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, chỉ cần sai sót ở một khâu nào đó sẽ gây mất an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, sự vào cuộc của các bên liên quan, kiểm soát chặt từ các khâu để bữa ăn học đường an toàn là vấn đề rất quan trọng và cần thiết.
Nhà trường - Phụ huynh vào cuộc
Có mặt tại Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên, Hà Nội) từ 5h30 sáng, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, 11 nhân viên cấp dưỡng cùng Hiệu trưởng nhà trường và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đang tiếp nhận thực phẩm để chuẩn bị cho bữa ăn trưa của học sinh tại trường.
Hiện trường tổ chức bữa ăn trưa bán trú cho 750 học sinh/ngày. Đây là mô hình bếp ăn liên kết với nhà thầu cung cấp thực phẩm là Công ty TNHH Hương Việt Sinh, nấu ăn tại bếp ăn của trường. Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Trần Thị Phương Dung cho biết, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được nhà trường đánh giá là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, vào mỗi buổi sáng, nhà trường đều triển khai công tác tiếp nhận thực phẩm, gồm: Kiểm tra về chất lượng, xuất xứ và nguồn gốc thực phẩm, chủng loại, định lượng theo yêu cầu thông qua việc quét mã QR trên nhãn sản phẩm và bằng cảm quan.
“Chúng tôi được tập huấn thường xuyên về công tác giám sát thực phẩm đầu vào tại nhà trường. Kỹ năng đầu tiên khi được tập huấn là kiểm tra bằng cảm quan. Chỉ cần dùng tay kiểm tra, đồng thời nhìn và ngửi từng miếng thịt, miếng giò, mớ rau… sẽ biết được thực phẩm đó có tươi ngon hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Trong quá trình giám sát, chúng tôi mời cả ban phụ huynh tham gia”, Hiệu trưởng Trần Thị Phương Dung nói.
Trực tiếp tham gia giám sát việc tiếp nhận thực phẩm cùng với nhà trường, chị Lê Thị Hảo, đại diện Ban phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đoàn Khuê chia sẻ: “Nhà trường luôn rộng cửa để cha mẹ học sinh có thể đến giám sát bữa ăn bán trú của con ở trường bất kỳ lúc nào. Việc công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của trường, giúp phụ huynh yên tâm hơn”.
Sau khâu tiếp nhận thực phẩm, các nhân viên cấp dưỡng sẽ làm công tác sơ chế, chế biến để chuẩn bị cho việc nấu ăn. Khu vực nấu ăn của trường cũng được phân khu riêng biệt, gồm: Khu vực sơ chế thực phẩm sống, khu vực đun nấu, và thức ăn sau khi được nấu chín sẽ được đưa vào khu vực dây chuyền chia cơm.
Trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh, nhân viên y tế của trường cùng với nhân viên cấp dưỡng bếp ăn thực hiện lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu… Mọi khâu, mọi quy trình đều được nhân viên ở đây triển khai bài bản, đúng quy định.
Nhân viên y tế thực hiện lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu.
Không chỉ khu vực bếp, mà ngay cả khu vực phòng ăn cho học sinh của Trường Tiểu học Đoàn Khuê cũng được thiết kế đạt chuẩn với diện tích rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ.
Học sinh lớp 5A4 Dương Hải Huyền chia sẻ: “Con rất thích ăn cơm ở trường. Các món ăn đều hợp khẩu vị học sinh và bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng”.
Hơn 11h trưa, tại Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), 4 "cô nuôi" ở đây đang chia khẩu phần ăn cho từng lớp. Từng khay cơm inox được đặt lên dây chuyền chia cơm và các cô nuôi có nhiệm vụ chia cơm, rau, thức ăn vào mỗi khay.
Một cô nuôi tại đây cho biết, khu vực chia thực phẩm chín được bố trí tách biệt với các khu vực khác trong bếp và từng dụng cụ, khay đựng thực phẩm luôn bảo đảm vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm chéo, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù không có diện tích rộng rãi nhưng khu vực bếp ăn được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, bảo đảm nguyên tắc một chiều và được phân khu riêng biệt. Bên ngoài bếp có bảng thực đơn, đầy đủ các ngày trong tuần và niêm yết công khai bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm của nhà thầu cung cấp thực phẩm và nấu ăn cho trường.
Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Ngọc Lâm cho biết, bếp ăn của nhà trường có 7 nhân viên phụ trách. Trung bình mỗi ngày, bếp ăn cung cấp từ 480-520 suất ăn cho học sinh. Để bảo đảm sức khoẻ cho học sinh, nhà trường luôn chú trọng về nguồn thực phẩm, rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị doanh nghiệp uy tín, có tư cách pháp nhân, thực phẩm được chứng nhận an toàn.
Tương tự, tại Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hoà, Hà Nội), nhà trường cũng đã phối hợp với đại diện Ban phụ huynh học sinh kiểm tra chặt chẽ chất lượng thực phẩm đầu vào, giám sát quy trình chế biến thức ăn, thực hiện lưu mẫu thực phẩm và mẫu thức ăn đầy đủ…
Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Tú Nguyễn Thị Nhung khẳng định, để trẻ có đầy đủ sức khỏe vui chơi và học tập, nhà trường luôn chú trọng từng khâu trong chế biến thực phẩm. Đối với bộ phận chế biến thực phẩm, nhà trường yêu cầu phải quan sát kỹ khi nhận thực phẩm, ngâm, rửa thật kỹ rồi mới đưa vào chế biến. Bếp ăn của nhà trường tuân thủ theo quy trình một chiều, với mục đích bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.
Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng đến vệ sinh cá nhân của các cô nuôi. Cụ thể, nhân viên phụ trách bếp được khám sức khoẻ định kỳ, bảo đảm không mắc bệnh truyền nhiễm và phải thực hiện vệ sinh trước khi chế biến thực phẩm cho trẻ…
Nếu một khâu bị lỗi sẽ kéo đến nguy cơ ngộ độc
Thế nhưng, trên thực tế, không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc việc giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Gần đây nhất, vào ngày 28-3, Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức cho 915 học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2 đi tham quan. Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Sau bữa ăn, đến 18h cùng ngày, đã có 72 học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn ói, phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5, sau 3 tuần ra quân, các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã kiểm tra 6 bếp ăn trường học. Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.
Đơn cử như có trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày; khu vực chế biến sắp xếp lộn xộn, có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định; khay ăn cho học sinh còn có tinh bột bám dính; chưa thực hiện theo dõi lưu mẫu thức ăn…
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về vệ sinh ATTP của thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại bếp ăn của Trường Mầm non Phương Tú, huyện Ứng Hòa.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, khiến vi sinh vật có hại bị nhiễm vào thức ăn gây ngộ độc.
“Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào. Tiếp đến, khu vực bếp ăn, các dụng cụ nấu ăn, quy trình vận chuyển suất ăn phải tuân thủ đầy đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Trở lại câu chuyện của Trường Tiểu học Đoàn Khuê, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm giữa các bên liên quan, gồm: Nhà trường, phụ huynh học sinh và nhà thầu cung cấp thực phẩm nên từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà trường chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Khuê Trần Thị Phương Dung chia sẻ, để bảo đảm sự khách quan và lựa chọn được nhà cung cấp tốt, trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường cũng đã tổ chức một đoàn giám sát, gồm lãnh đạo nhà trường, ban phụ huynh đến tận nơi để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm.
“Mỗi lớp, chúng tôi cử trưởng ban phụ huynh hoặc mời 3 người trong ban phụ huynh đi cùng đoàn giám sát để đánh giá năng lực của đơn vị cung cấp thực phẩm. Việc giám sát này được nhà trường tiến hành thường xuyên”, bà Trần Thị Phương Dung cho biết.
Trong vai phụ huynh học sinh, phóng viên cũng đã mục sở thị tại trang trại trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 15 ha tại Khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh của Công ty TNHH Hương Việt Sinh - nhà thầu cung cấp thực phẩm cho Trường Tiểu học Đoàn Khuê.
Kỹ sư Công ty TNHH Hương Việt Sinh lấy mẫu rau xét nghiệm an toàn trước khi đưa về chế biến tại các bếp ăn.
Tại đây, có trồng đủ các loại rau, quả như: Rau muống, rau ngót, mồng tơi, dưa… Để theo dõi và bảo đảm chất lượng ổn định, trang trại cũng đề ra lịch kiểm tra định kỳ và xây dựng nhật ký nuôi trồng đối với từng luống rau. Chúng tôi khá bất ngờ khi nghe kỹ thuật viên thuyết minh rằng, họ tự tin về chất lượng rau sạch của mình đến nỗi, có thể ngắt bất cứ búp rau xanh hoặc quả dưa non nào và mời khách tham quan nếm thử ngay tại chỗ.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Liệu vùng rau này có cung ứng đủ cho hơn 100 bếp ăn trường học mà công ty đang ký hợp đồng?”, bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho rằng, chính vì trồng theo tiêu chuẩn an toàn nên sản lượng rau, củ, quả không cao. Do đó, với những sản phẩm không đủ cung cấp, công ty phải hợp tác liên kết với các vùng trồng rau khác.
Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh - bà Vũ Lan Sinh (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.
“Khi hợp tác, chúng tôi cũng đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt với đối tác, đồng thời cử các kỹ thuật viên của công ty đến kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất. Nếu chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ tiêu huỷ, không tiêu thụ sản phẩm đó. Tương tự, khi sản lượng thịt lợn bị thiếu, chúng tôi cũng hợp tác với những đơn vị lớn, uy tín, được những cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá về chất lượng như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP…”, bà Vũ Lan Sinh nói.
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm của người đứng đầu nhà trường, có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan thì nơi đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú được triển khai nghiêm túc, bài bản. Ngược lại, nơi nào lơ là, không chú trọng từ khâu giám sát đến việc tuân thủ các quy định, thì nơi đó luôn tiềm ẩn những rủi ro về nguy cơ mất an toàn. Đã đến lúc, mỗi cơ sở giáo dục cần coi việc siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng thường trực, để mỗi bữa ăn của trẻ không chỉ bảo đảm dinh dưỡng, ngon mà còn an toàn.
Chi tiết bài báo:
http://www.hanoimoi.com.vn/mega-story/doi-song/1063995/kiem-soat-chat-cac-khau-de-bua-an-truong-hoc-an-toan?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo